Trao đổi kiến thức và tăng cường hợp tác về chuyển dịch năng lượng công bằng

Dự án “Chuyển dịch năng lượng công bằng cho các vùng than” (dự án IKI JET) mới đây đã tổ chức cuộc họp khởi động sáng kiến “Cộng đồng thực hành” nhằm thúc đẩy việc trao đổi kiến thức và tăng cường hợp tác về chuyển dịch năng lượng công bằng.

Cuộc họp khởi động diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức công đoàn, hiệp hội phụ nữ, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân đến từ các nước tham gia dự án IKI JET gồm Đức, Colombia, Chile, Nam Phi, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Mông Cổ.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Sarah Rieseberg (chuyên gia chính sách thuộc Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu, CHLB Đức) cho biết: “Chúng ta cùng chia sẻ các vấn đề và mục tiêu chung. Cơ hội được trao đổi ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên tham gia vào “Cộng đồng thực hành” sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng với dự án IKI JET. Chúng ta cần trao đổi với nhau và với các bên có liên quan và điều này thực sự vô cùng giá trị”.

“Mỗi đại biểu đại diện cho các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức công đoàn, hiệp hội phụ nữ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân sẽ có những quan điểm và kiến thức khác nhau để chia sẻ. Các đại biểu sẽ mang đến “Cộng đồng thực hành” các kiến thức và kỹ năng mình, cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế công bằng và cuộc sống thịnh vượng cho người dân trong các vùng than”, bà Sarah Rieseberg chia sẻ.

Đại diện phía cơ quan chính phủ, ông Supriono, Trợ lý Chính phủ - Khu vực South Sumatra, Indonesia nhấn mạnh: “Chúng tôi hết sức vui mừng khi được kết nối thông qua các “Cộng đồng thực hành”. Thông qua đó, chúng tôi có cơ hội giải quyết những thách thức mà chính quyền địa phương đang đối mặt ví dụ như việc cắt giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và cơ hội việc làm trong khu vực. Việc tham gia vào các “Cộng đồng thực hành” sẽ giúp chính quyền trung ương và địa phương thu được những bài học kinh nghiệm về phát triển chiến lược hiệu quả cho các vùng than, thúc đẩy việc làm xanh cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội”.

Moong than lộ thiên 917 là moong than đầu tiên được tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thống nhất xây dựng làm hồ chứa nước ngọt

Các “Cộng đồng thực hành” là nền tảng giúp thúc đẩy sự hợp tác, mở rộng quan hệ, cùng nhau chia sẻ ý tưởng, tài nguyên, liên kết mục tiêu, cùng nhau lắng nghe, thảo luận cởi mở và trung thực, cũng như tạo cơ hội tổ chức những diễn đàn, đối thoại giữa các vùng than tại các quốc gia: Colombia, Chile, Nam Phi, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Mông Cổ. Các thành viên tham gia “Cộng đồng thực hành” có thể nâng cao tư duy chiến lược, vốn hiểu biết và học tập các thực tiễn tốt để triển khai quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng.

Sáng kiến này bao gồm 4 “Cộng đồng thực hành” với các chủ đề như sau:

Chiến lược chuyển dịch năng lượng công bằng: những chính sách và khung pháp lý cần thiết để xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai thực thi quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, hiệu quả.

Phát triển kinh tế xanh và công bằng: cách thức phát triển các ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh mới dựa trên các cơ sở vật chất sẵn có của các vùng than để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào than đá cũng như tạo việc làm xanh và bền vững, thúc đẩy an sinh xã hội.

Năng lượng và sự công bằng: cách thức, giải pháp để thực hiện chuyển dịch năng lượng mang lại điều kiện sống tốt hơn, công bằng xã hội nâng cao hơn và đảm bảo quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội.

Đóng cửa mỏ than: cách thức tái sử dụng các mỏ đã dừng khai thác than một cách công bằng, mang lại lợi ích cho người dân, môi trường, đa dạng sinh học và nền kinh tế của khu vực.

Dự án “Chuyển dịch năng lượng công bằng cho các vùng than” (dự án IKI JET) được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển dịch từ hệ thống năng lượng và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào than đá sang hệ thống năng lượng không phát thải, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và nền kinh tế bền vững, công bằng ở địa phương.

Dự án được đồng tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu, CHLB Đức (BMWK) trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) và Tổng cục Quan hệ đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu (DG INTPA). Dự án được triển khai bởi 6 tổ chức, trong đó GIZ đóng vai trò điều phối viên.

An Vinh

Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Trao-doi-kien-thuc-va-tang-cuong-hop-tac-ve-chuyen-dich-nang-luong-cong-bang-6-8-21966