Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý...

Nguồn năng lượng tái tạo hiện nay có vị trí rất quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên nhiều khía cạnh khác nhau. Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hóa thạch như dầu, than và khí tự nhiên, trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai; giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm tác động ô nhiễm đến môi trường và khí hậu; giảm rủi ro về an ninh năng lượng do phụ thuộc quá mức vào một nguồn năng lượng duy nhất và cũng giúp giảm giá cả cho nguồn năng lượng.

Năng lượng tái tạo đòi hỏi sự đổi mới và phát triển công nghệ để nâng cao hiệu suất và tính khả dụng của các nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này khuyến khích sự tiến bộ công nghệ và tạo ra những giải pháp mới để sử dụng và tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo.

Quyết định số 215/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nắm bắt được thực tiễn trên. Chiến lược xác định định hướng phân ngành năng lượng mới và tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.  

Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydro, amoniac và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydro sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép xanh, hóa chất, lọc hóa dầu), tòa nhà dân dụng và thương mại (nhiệt) nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi carbon hóa nền kinh tế. Xây dựng lộ trình công nghệ cho sản xuất, sử dụng nhiên liệu hydro và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro; pin nhiên liệu (fuel cell) sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải và các mục đích khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu các dạng năng lượng mới như năng lượng sóng biển, địa nhiệt..

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngành năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”. Việt Nam cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện song biển và khí sinh học Biogas bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas), thủy điện và điện than.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s. Các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm. Đây là lợi thế tự nhiên tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở các tỉnh này. Bên cạnh lợi thế về gió, bức xạ mặt trời thì với diện tích rừng lớn, chỉ riêng tại Cà Mau, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000 - 300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.

Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Dự tính đến 2030, Việt Nam sẽ cần 12 tỷ USD để đầu tư nguồn điện mới. Cùng với chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo, trong những năm vừa qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện là trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm trước đó.

Nguyễn Bình

Nguồn:https://thiennhienmoitruong.vn/uu-tien-khai-thac-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-nang-luong-tai-tao.html