Net zero: Góp phần hình thành sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam

Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu vừa qua (COP26). Đây là cơ hội để Việt Nam hình thành nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Thúc đẩy sản xuất xanh

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh- Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện lại cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "Carbon thấp", "kinh tế xanh" và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang "kinh tế tuần hoàn". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, đó là phát triển nhanh, bền vững.

Trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam đang dần chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn cho sản xuất. Giám đốc Bền vững của Tập đoàn Nike, ông Noel Kinder, đã khẳng định trong một bài viết: Cam kết của chúng tôi là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi do chúng tôi sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030.

“Để đạt được thay đổi thực sự, chúng ta phải biến các mục tiêu khí hậu hành động. Các mục tiêu đó phải khiến chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, lập kế hoạch, vận hành và thích ứng. Và cùng nhau, chúng ta có thể làm ra sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch, tạo ra mạng lưới điện xanh hơn, tận dụng nguồn vốn tư nhân để sản xuất điện và – trong quá trình đó – góp phần tạo ra nhiều việc làm có chất lượng”, ông Noel Kinder viết.

Đó là lý do hiện nay, các tập đoàn sản xuất ở Việt Nam đang đưa ra các tiêu chí “xanh” hơn trong quá trình sản xuất với các tiêu chí: sử dụng vật liệu carbon thấp, phi carbon hóa chuỗi cung ứng, sử dụng 100% năng lượng tái tạo.


Sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp công nghiệp

Tăng trưởng xanh tạo ra cơ hội mới

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và trình Chính phủ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch đã cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình phát thải ròng bằng 0. Kế hoạch này cũng đưa ra định hướng xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, làng nghề bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tăng trưởng xanh mở ra cơ hội cho phát triển các ngành công nghiệp xanh mới, đó là các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường truyền thống (tư vấn môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý/ tái chế tái sử dụng chất thải), hàng hóa và dịch vụ các-bon thấp (các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; công nghệ thiết bị xanh, thị trường các-bon).

Theo cơ quan này, tăng trưởng xanh trong công nghiệp còn góp phần nâng cấp và hoàn thiện chuỗi giá trị, chuyển dịch từ ngành công nghiệp khai thác, sản xuất gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp sang ngành công nghiệp chế biến sâu, thâm dụng công nghệ đi kèm các ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng và khép kín chuỗi giá trị; Góp phần làm tăng cường sức khả năng tự chủ và chống chịu của các ngành công nghiệp trước các cú sốc nguyên liệu (nguồn và giá), đứt gãy chuỗi cung ứng

Nhiều quốc gia và khu vực cũng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang một nền sản xuất xanh. Điển hình là Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu cho giai đoạn 2020-2024 với gói đổi mới chính sách toàn diện “Fit for 55” để chuyển đổi toàn bộ khối thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050; dùng 37% Quỹ Phục hồi và Chống chịu (Recovery and Resilience Facility) – tương đương với khoảng 672,5 tỷ Euro cho các dự án xanh.

Hàn Quốc đã triển khai Thỏa thuận kinh tế xanh mới tập trung vào ba lĩnh vực: phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi số cùng với phát triển kinh tế xanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất xanh gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thách thức cho một nước đang phát triển như Việt Nam là không nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn trước hết là công nghệ cho giảm và tái chế các-bon đã có, song công nghệ cho tái sử dụng và loại bỏ các-bon còn thiếu. Các công nghệ thu và giữ các-bon hiện nay tiêu tốn nhiều năng lượng (gây phát thải các-bon vào không khí), tiêu tốn nước. Việc nghiên cứu và thương mại hóa các công nghệ này đòi hỏi phải có các quỹ cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp tài chính để bù đắp cho rủi ro của những công nghệ chưa chứng minh, các ưu đãi bằng thuế, trợ cấp đầu tư bằng vốn trực tiếp, các hỗ trợ tài chính căn cứ vào kết quả.


Nhờ sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng , các sản phẩm gốm Bát Tràng đã giảm được chi phí sản xuất, bảo đảm chỉ tiêu về môi trường

“Việc chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp hay một khâu sản xuất, mà trong toàn chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt rõ ở một số ngành chế biến chế tạo như sản xuất thép và xi-măng, công nghiệp thông tin và truyền thông. Trong ngành xây dựng cũng thấy rõ thách thức này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Song để tiến lên một nấc thang cao hơn, việc tạo ra các sản phẩm xanh là xu hướng tiêu dùng mới không thể đảo ngược. Châu Âu đã khởi xướng một số cơ chế thương mại mới như “Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon” (CBAM) nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gây ô nhiễm như thép, nhôm và phân bón, điều này có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai và được đưa vào các chương trình đàm phán, các Hiệp định thương mại. Những quốc gia như Việt Nam nếu không chuyển đổi kịp thời sẽ gặp bất lợi khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Thu Hường

https://congthuong.vn/net-zero-gop-phan-hinh-thanh-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-o-viet-nam-173367.html