Bình Thuận sẽ làm gì để thành trung tâm năng lượng sạch?

'Bình Thuận đầy nắng, gió, chính là lợi thế để tỉnh phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tĩnh năng' - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
 

Bình Thuận có đủ điều kiện để phát triển năng lượng sạch

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: “Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Bình Thuận có những lợi thế khác biệt về vị trí địa lý, thế địa chiến lược trong thời đại hội nhập, trong kỷ nguyên của biển và đại dương và xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục tận dụng để đưa kinh tế phát triển đột phá, nhất là về lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, chế biến sâu khoáng sản…

"Bình Thuận đầy nắng và gió. Đây chính là lợi thế để tỉnh phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tĩnh năng. Nguồn tài nguyên vô tận của tỉnh chính là năng lượng tái tạo" - Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tin rằng với nỗ lực vượt khó, năng động sáng tạo, khát vọng lớn lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Bình Thuận trong những năm qua, lần này sẽ đưa tỉnh phát triển năng động, nhanh, bền vững, mạnh giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước…

"Bình Thuận còn một tài nguyên quý giá nữa, đó là mỏ titan. Ở Bình Thuận bất cứ nơi nào cũng có titan. Tuy nhiên, Bình Thuận cần chú trọng khai thác titan gắn với chế biến sâu. Những nơi nào mâu thuẫn với kinh tế xanh thì chúng ta không làm để phát triển hài hòa với các ngành khác", Phó thủ tướng nói.

Ông cũng lưu ý Bình Thuận phải đảm bảo an ninh lương thực. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống của Bình Thuận không thể chuyển sang công nghiệp ngay được, mà phải cần thời gian dài. Do vậy phải tái cấu trúc lại mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến sâu, tiết kiệm nguồn nước.

Bình Thuận đi lên từ 'khó, khô, khổ'

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành sau khi tỉnh hoàn thành việc tổng kết 30 năm tái lập, rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm qua quá trình phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình khu công nghiệp Sơn Mỹ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình khu công nghiệp Sơn Mỹ

Từ một tỉnh có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân khái quát bằng 3 từ “khó, khô, khổ”; song, bằng nhiều quyết tâm, nỗ lực, cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự tin tưởng, đồng hành, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Thuận đã vượt khó đi lên:

Kinh tế Bình Thuận tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên;

Bình Thuận đang dần trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp năng lượng và du lịch.

Có thể ví von, ngày xưa, Bình Thuận là cô gái có duyên nhưng ở vùng xa xôi, cách trở, khắc nghiệt, nên ít ai để ý. Ngày nay, cô gái ấy càng lớn càng xinh đẹp, chỗ ở và đi lại thuận lợi, nhà cửa khang trang hơn, chàng trai nào cũng muốn đến.

 

AN YÊN/vtcnews.vn

Nguồn: https://vtcnews.vn/binh-thuan-se-lam-gi-de-thanh-trung-tam-nang-luong-sach-ar855908.html