Chậm tiến độ đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín: Năm 2022, Hà Nội có nguy cơ thiếu điện

Việc chậm tiến độ dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín khiến TP Hà Nội có nguy cơ thiếu điện vào năm 2022.

Vướng mắc giải quyết mặt bằng

Dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín là công trình trọng điểm có tính cấp bách được triển khai xây dựng từ năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho khu vực phía Tây TP Hà Nội, giảm tải cho trạm biến áp 500kV Thường Tín và các đường dây 220kV trong khu vực. Đặc biệt, dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP Hà Nội vào giai đoạn cuối năm 2020 và những năm sau.

Theo kế hoạch, công trình hoàn thành đóng điện tháng 3/2020. Tuy nhiên, cho đến nay, đã chậm so với kế hoạch 16 tháng và thời gian chậm tiến độ sẽ kéo dài hơn nữa vì hiện nay công trình đang phải dừng thi công do chưa giải phóng xong hành lang tuyến khoảng cột từ vị trí 59 – 62 (thuộc huyện Thanh Oai) và khoảng cột từ vị trí 90 – 92 (thuộc huyện Thường Tín). Nếu công trình không hoàn thành trong năm nay thì năm 2022, Hà Nội sẽ có nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là phía Tây TP.

Công trình đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín được khởi công ngày 31/7/2018, là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm B do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho phần xây lắp và mua sắm vật tư thiết bị; vốn của EVNNPT được sử dụng cho các công việc còn lại. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án. Đường dây có chiều dài 40,7km, điểm đầu từ trạm biến áp 500kV Tây Hà Nội và điểm cuối là trạm biến áp 500kV Thường Tín, đi qua các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín. 

Trạm biến áp Tây Hà Nội đã hoàn thành từ tháng 11/2018 nhưng đến nay chỉ vận hành cấp điện áp 220kV từ các nguồn cấp 220kV qua các đường dây 220kV từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình về và chưa thể đưa vào vận hành cấp điện áp 500kV do tuyến đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường hành lang tuyến.

Theo NPMB, tiến độ thi công luôn đáp ứng với tiến độ giao mặt bằng. Phần móng và cột đều đã thi công xong 96/96 vị trí. Tuy nhiên, công trình hiện đang vướng mắc giải phóng mặt bằng tại khoảng cột 59 – 62, trên địa bàn xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai), có 6 hộ dân có đất ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện không nhận tiền đền bù.


Khoảng cột 90 - 92 trên địa bàn huyện Thường Tín

Nguyên nhân của những tồn tại này bắt nguồn từ năm 1994, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 57/QĐ-UB, giao 6.500m2 đất để giải quyết nhu cầu làm nhà ở cho nhân dân xã Thanh Mai. UBND xã Thanh Mai đã tổ chức thu tiền của 39 hộ dân gia đình (trong đó có 7 hộ nằm trong hành lang an toàn lưới điện). Quá trình thực hiện quyết định số 57/QĐ-UB, một số hộ dân có đơn kiến nghị về việc giao đất không đúng quy định. Căn cứ công điện số 1044 và chỉ thị 247/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1995 về việc bảo vệ đất lúa, xét đơn kiến nghị của công dân, ngày 10/8/1995, UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định số 410/QĐ-UB thu hồi 6.500 m2 đã cấp theo quyết định số 57/QĐ-UB để đưa vào sản xuất đất nông nghiệp. Mặc dù có quyết định thu hồi đất nhưng tỉnh Hà Tây không làm thủ tục hoàn tiền nên các hộ dân vẫn sử dụng đất từ đó đến nay.

Để giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, ngày 06/11/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản số 527/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng. Theo đó, UBND TP đã vận dụng chính sách hỗ trợ khác về đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Phương án bồi thường đã được UBND huyện Thanh Oai phê duyệt. Qua 3 lần tiến hành chi trả tiền nhưng chỉ có 1/7 hộ nhận tiền. Các hộ còn lại không nhận với lý do: đơn giá đền bù theo Quyết định số 2074/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 29/5/2020 là thấp. 

Tại khoảng cột 90 - 91, trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), cũng có 7 hộ dân phải thu hồi đất nằm trong hành lang an toàn. 

Ngày 26/5/2021, UBND TP Hà Nội có quyết định số 2337/QĐ-UBND về việc thu hồi 2.994,16m2 đất tại xã Tiền Phong để thực hiện xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Ngày 28/5/2021, UBND huyện Thường Tín có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khu tái định cư tại quyết định số 1677/QĐ-UBND. Ngày 11/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP có tờ trình đề nghị UBND TP giao đất cho các hộ dân.

Công tác kiểm kê, lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân đã được thực hiện xong từ tháng 11/2020 tuy nhiên, do chưa có khu tái định cư nên chưa phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ.

Chủ trương có, đất có, kinh phí có nhưng đã phải mất 15 tháng kể từ khi UBND TP Hà Nội đồng ý để UBND huyện Thường tín xây dựng khu tái định cư, đến nay vẫn chưa bàn giao được cho các hộ tái định cư.

Tính đến thời điểm hiện nay, khối lượng thi công đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín đã hoàn thành kéo dây được 90% nhưng nếu 10% khối lượng công việc kéo dây còn lại không sớm được giải quyết thì công trình không thể đóng điện, điều này còn đồng nghĩa với việc trạm biến áp 500kV Tây Hà Nội cũng không thể nhận điện từ lưới 500kV. Những mục tiêu về đáp ứng tăng trưởng phụ tải cho khu vực Nam Sông Hồng trong đó có Thủ đô Hà Nội; tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện quốc gia sẽ không đạt được.

Hà Nội đối diện với nguy cơ thiếu điện

Hà Nội được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia qua lưới điện truyền tải cấp điện áp 220kV - 500kV và lưới điện phân phối từ cấp điện áp 110kV trở xuống. Để đảm bảo vận hành tin cậy và linh hoạt, lưới điện 110kV - 220kV - 500kV trên địa bàn Hà Nội có kết cấu mạch vòng, các trạm biến áp đều được cấp điện từ ít nhất hai đường dây. Với nhu cầu phụ tải lớn nhất (Pmax) là 4.931MW (tháng 6/2021), mức mang tải bình quân các máy biến áp 220kV và 110kV khoảng 70%. Như vậy, về tổng thể hạ tầng lưới điện của Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu phụ tải. 

Tuy nhiên, mức độ dự phòng lưới điện còn thấp, đặc biệt đối với khu vực trung tâm TP có mật độ phụ tải lớn nên một số đường dây, trạm biến áp mang tải cao trong giờ cao điểm. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ ảnh hưởng xấu đến cung cấp điện.

Giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu điện của Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,26%/năm, trong đó, từ năm 2016 - 2019, tăng trưởng 8,45%/năm. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản lượng điện thương phẩm của Hà Nội vẫn đạt 20,03 tỷ kWh, chiếm 9,2% sản lượng điện thương phẩm của cả nước.


Khoảng cột 38 – 39 trên địa bàn huyện Chương Mỹ

Theo kế hoạch, sản lượng điện thương phẩm năm 2021 của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội sẽ từ 21.528 đến 21.650 triệu kWh, tăng trưởng 7,5 - 8,1% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm của TP Hà Nội đạt 9,86 tỷ kWh, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong đợt nắng nóng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, Hà Nội đã ghi nhận những số liệu cao kỷ lục mới về sản lượng điện tiêu thụ và công suất. Theo đó, sản lượng tiêu thụ điện ngày cao nhất đã đạt 96,2 triệu kWh; công suất đỉnh đã đạt mức cao nhất trong lịch sử là 4.662 MW. Vì vậy, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã phải thực hiện giải pháp điều chỉnh và tiết giảm phụ tải trong một số thời điểm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định, việc cung ứng điện cho Thủ đô Hà Nội phải an toàn, ổn định và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bình quân 7,86%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy hạn chế nguồn vốn nhưng tổng vốn đầu tư các công trình điện của EVN trên địa bàn Hà Nội trong 5 năm 2016 - 2020 vẫn ở mức cao là 40.494 tỷ đồng, trong đó, lưới điện truyền tải là 20.552 tỷ đồng, lưới điện phân phối là 29.942 tỷ đồng.

Hà Nội là địa phương có phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng cao nhất trong cả nước. Đây là thành phần phụ tải diện biến động bất thường, nhạy cảm do tình hình thời tiết bốn mùa ở khu vực Bắc Bộ. Yếu tố này đã gây áp lực lớn đối với đầu tư xây dựng hệ thống điện do phải đầu tư rất lớn để phủ đỉnh phụ tải nhưng chỉ khai thác tối đa trong 3 tháng mùa hè.

Đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín đã chậm tiến độ và việc tiết giảm phụ tải trong một số thời điểm trong 2 đợt nắng nóng vừa qua chỉ là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng thiếu điện. Nếu dự án tiếp tục chậm, Hà Nội có thể sẽ phải đối đầu với nguy cơ thiếu điện vào năm 2022.

Đức Dũng
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Cham-tien-do-duong-day-500kV-Tay-Ha-Noi-Thuong-Tin-Nam-2022-Ha-Noi-co-nguy-co-thieu-dien--6-166-10789