Chung tay tiết kiệm điện ở miền Nam: Bài 2 - Góp gió thành bão

iện đường tắt sớm, công sở hạn chế thời gian dùng điện, đơn vị cung cấp điện lên các kịch bản quá tải mùa nắng nóng… để tiết kiệm điện.
 

Điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt

Gia đình bà Vũ Thị Dung ở TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh có 5 người. Những ngày nắng nóng, nhất là thời điểm các bé nhỏ bắt đầu nghỉ hè, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, quạt, điều hoà… tăng cao hơn nhiều so với ngày thường. Để tiết kiệm điện, gia đình bà đã thực hiện điều chỉnh lại các thói quen của tất cả thành viên, hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị chạy điện.

Bà Dung cho biết, bình thường mỗi ngày gia đình bà nấu 3 bữa cơm sáng, trưa và tối bằng nồi cơm điện và bếp điện, nay bà giảm số lần nấu cơm bằng nồi điện xuống 1 - 2 lần bằng cách nấu 1 bữa ăn 2 bữa hoặc 3 bữa. Sáng dậy sớm cắm nồi cơm đủ để ăn cả bữa trưa, thậm chí bữa tối. Ngoài ra, mỗi ngày bà Dung thức dậy sớm khi trời còn mát, tranh thủ nhen bếp than tổ ong để đun nấu nước và thức ăn cho cả ngày, chỉ khi cần nấu nhanh mới sử dụng bếp điện.

Chung tay tiết kiệm điện ở miền Nam: Bài 2 - Góp gió thành bão

Nhân viên ngành điện tuyên truyền tiết kiệm điện cho người dân

“Những ngày nắng nóng, để làm mát nhà, giảm công suất của máy điều hòa nhiệt độ, tôi lau nhà thường xuyên và đóng kín các cửa, hạn chế gió mang hơi nóng vào nhà và chỉ dùng máy điều hòa trên 28 độ C. Ban đêm khi dùng máy điều hoà cũng hẹn giờ tự động tắt, bật thêm quạt gió nhè nhẹ, không để máy chạy sáng đêm sẽ rất tốn điện” - bà Dung chia sẻ.

Cũng bằng cách điều chỉnh lịch sinh hoạt gia đình, chị Nguyễn Lan Hương cho biết xây dựng thói quen sử dụng điện rất quan trọng. Chị có thói quen rút tất cả phích cắm của các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm khi không dùng (trừ tủ lạnh phải dùng 24/24); Cúp cầu dao điện (CB) đối với máy nước nóng, điều hòa nhiệt độ, bếp từ, bếp điện... Bởi thực tế, các thiết bị vẫn chạy ngầm và tiêu tốn khoảng 10 - 15% lượng điện năng/tháng.

"Nhà tôi thì có một động tác khi ra khỏi nhà là cúp tất cả CB điện, trừ CB dùng cho tủ lạnh. Điều này vừa an toàn, vừa tiết kiệm", chị Lan Hương chia sẻ.

Cùng với đó, gia đình chị không dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện năng cao cùng lúc. Ví dụ nếu đang giặt đồ thì không ủi quần áo. "Tôi còn cầu kỳ hơn nữa là ít giặt đồ vào giờ cao điểm. Nghĩa là khi mọi người, mọi nhà đang ồ ạt dùng điện thì gia đình tôi chọn giặt đồ sau 22 giờ hoặc lúc 5 giờ sáng. Lúc này điện tương đối khỏe, các thiết bị điện không phải gồng mình lên để làm việc.

Còn tại xã Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Thái ở ấp Thanh Hóa (QL 1 A) lại có cách tiết kiệm điện khi sử dụng “năng lượng xanh” từ khí biogas để đun nấu hàng ngày thay vì dùng bếp từ.

Anh Nguyễn Văn Thái cho biết, gia đình anh đã sử dụng “năng lượng xanh” này nhiều năm nay. Theo đó gia đình anh chăn nuôi gà và lợn với quy mô duy trì đàn gà khoảng 200-300 con, đàn lợn 10-15 con mỗi lứa. Nguồn phân thải ra từ đàn vật nuôi anh dùng để ủ khí biogas.

"Nhờ có khí biogas mà quanh năm gia đình tôi không tốn một đồng tiền điện nào cho việc nấu nướng, trừ việc nấu cơm bằng nồi cơm điện. So với các gia đình khác sử dụng bếp từ trong nấu nướng, dùng biogas có thể tiết kiệm thêm được vài triệu đồng tiền mua khí gas, hoặc tiền điện mỗi năm” - anh Thái chia sẻ.

Doanh nghiệp chạy máy phát, né giờ sản xuất cao điểm

Đối với các doanh nghiệp, để tiết kiệm điện, mỗi đơn vị đều có những giải pháp khác nhau. Chẳng hạn Công ty cổ phần dệt Texhong Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một trong những khách hàng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trung bình mỗi tháng, công ty đóng tiền điện khoảng 50 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ việc thực hiện tiết kiệm điện là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty đã phối hợp tích cực với Công ty Điện lực Đồng Nai để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (gọi tắt là DR).

Theo đó, công ty đã phân bổ các máy sản xuất theo thời gian hợp lý với 3 mốc thời gian khác nhau là cao điểm, thấp điểm và thông thường. Trong đó, các giờ cao điểm như buổi trưa, công ty sẽ giảm sản xuất, còn thấp điểm như chiều tối hoặc đêm sau 22h có thể chạy "full tải".

Ngoài ra, công ty còn lắp thêm biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng, đèn led chiếu sáng công suất thấp hay tập huấn cho công nhân tiết kiệm điện. "Nhờ áp dụng các giải pháp, mỗi tháng chúng tôi giảm hàng tỷ đồng tiền điện", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Trong khi đó Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ lại chọn giải pháp đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, ít tiêu thụ điện năng để thay thế cho các thiết bị thế hệ cũ, lạc hậu. Ông Lê Ðăng Tế, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty TNHH Kwong Lung Meko - chia sẻ: Bình quân mỗi tháng Công ty chi trả từ 400-500 triệu đồng tiền điện dùng cho sản xuất và để tiết giảm chi phí này cũng như gia tăng hiệu quả sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, công ty đã thay đổi toàn bộ máy móc, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng sang các thiết bị, công nghệ tiên tiến, có tính năng tiết kiệm điện cao vào quy trình sản xuất.

Cụ thể, công ty đã đầu tư 100% máy may điện tử thế hệ mới, thay cho máy may công nghiệp cũ, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng led có hiệu suất cao, kết hợp sử dụng máy điều hòa công nghệ inverter; lắp đặt bộ đèn năng lượng mặt trời, phục vụ cho nhu cầu chiếu sáng tại các đường nội bộ của Công ty. Không chỉ vậy, Công ty còn quan tâm đầu tư phần mềm, điều khiển các thiết bị máy biến tần tại phân xưởng sản xuất lông vũ... Qua đó, mỗi tháng doanh nghiệp đã tiết giảm hơn 30% lượng điện tiêu thụ so với trước đây.

Với mức tiêu thụ điện hàng tháng bình quân trên 17 triệu KWh - Công ty Changshin Việt Nam, cho biết, từ tháng 5 đã sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, để vừa đáp ứng yêu cầu khách hàng vừa đảm bảo giảm phụ tải theo yêu cầu của ngành điện.

"Chúng tôi xây dựng kịch bản điều chỉnh sản xuất theo từng bộ phận, trong đó, nhiều hoạt động sản xuất ban ngày được tăng cường vào ban đêm", đại diện doanh nghiệp trên nói. Ngoài ra, công ty này còn chạy thêm máy phát điện công suất 1MW vào các giờ cao điểm nhằm đảm bảo việc cung ứng điện an toàn và ổn định.

Đại diện công ty này cũng cho biết, từ 2009 tới nay, doanh nghiệp đã có nhiều dự án tiết kiệm điện như dùng đèn LED, bảo ôn các máy ép Phylon, thay motor loại hiệu suất cao, đầu từ hệ thống quản lý năng nên mỗi năm công ty tiết kiệm được 2,5% lượng điện tiêu thụ. Trong 5 năm công ty tiết kiệm được trên 22 triệu KWh.

Còn với Công ty CP Hà Lan (Tây Ninh), theo ông Nguyễn Quang Thắng, đại diện Công ty, doanh nghiệp này bố trí kế hoạch sản xuất của dây chuyền vào các giờ bình thường và giờ thấp điểm, giảm sản xuất vào giờ cao điểm, đồng thời tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện.

Trong khi đó, ông Nông Thanh Tú, đại diện Công ty CP CLB bóng đá Becamex Bình Dương, cho biết Becamex cũng giảm tối đa chiếu sáng các bảng quảng cáo trên đại lộ Bình Dương và chỉ mở các bảng quảng cáo từ 19h - 22h.

Những con số ấn tượng ban đầu

Sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và tổ chức lớn đã phát huy tác dụng. Kết quả được thể hiện bằng những con số cụ thể về số điện tiết kiệm được sau một loạt giải pháp. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, kể từ ngày 16/5/2023 tới nay tổng sản lượng tiết kiệm là 10,23 triệu kWh, trung bình mỗi ngày Thành phố tiết kiệm được gần 1,14 triệu kWh, tương đương với khoảng 2,4 tỷ đồng.

Chung tay tiết kiệm điện ở miền Nam: Bài 2 - Góp gió thành bão

Đèn đường chiếu sáng được điều chỉnh cắt giảm để tiết kiệm điện

Chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện toàn Thành phố, góp phần đáng kể trong việc ổn định công tác cung ứng điện. TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện điều tiết cắt giảm toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng. Đặc biệt TP Hồ Chí Minh cũng vận động được khoản 800.000 hộ gia đình tham gia vào công cuộc tiết kiệm điện của thành phố.

Hay tại Đồng Nai, sau nhiều chương trình như “Gia đình tiết kiệm điện”, “Trường học chung tay tiết kiệm điện”, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp thi đua tiết kiệm điện… 4 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã tiết kiệm được 102.000 kWh, đạt 2,21%/tổng sản lượng điện thương phẩm. Đáng chú ý, trong tuần cao điểm (từ 15/5/2023 đến ngày 21/5/2023) bằng nhiều giải pháp cấp bách, sản lượng điện tiết giảm, tiết kiệm trên toàn tỉnh đạt 951.927 kWh…

Chung tay tiết kiệm điện ở miền Nam: Bài 2 - Góp gió thành bão

Các cơ quan, tổ chức cũng nâng cao ý thức tiết kiệm điện triệt để

Tính chung toàn miền Nam, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam- chia sẻ rằng: Chỉ tính từ ngày 15/5 đến 31/5, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam đã có khoảng 3.700 khách hàng tự nguyện tham gia thực hiện điều chỉnh với công suất tiết giảm gần 750 MW, tương đương sản lượng điện tiết kiệm trên 2,2 triệu kWh.

Đối với công tác tiết kiệm điện tại các trụ sở, cơ quan hành chính sự nghiệp, khu vực chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm,… theo ông Nguyễn Phước Đức, trong khoảng thời gian trên đã tiết kiệm được gần 30 triệu kWh. Trong đó, khối cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm gần 3,963 triệu kWh; khu vực chiếu sáng công cộng tiết kiệm gần 5,3 triệu kWh; khu vực chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời tiết kiệm 3,623 triệu kWh; các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm được trên 16,7 triệu kWh. “Các mức tiết kiệm này có xu hướng sẽ tăng thêm trong thời gian tới khi khách hàng, người dân sử dụng điện thay đổi được nhận thức và thói quen sử dụng điện tiết kiệm điện”- ông Đức dự báo.

Nhóm phóng viên/congthuong.vn

Nguồn: https://congthuong.vn/chung-tay-tiet-kiem-dien-o-mien-nam-bai-2-gop-gio-thanh-bao-256736.html