Đưa Cần Giờ trở thành đô thị sinh thái bền vững

'Phần lớn các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 (NQ 98) đều có thể áp dụng trên địa bàn huyện Cần Giờ, đặc biệt là có thể nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách mới trong thúc đẩy phát triển đô thị sinh thái bền vững', ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM đã trao đổi với PV Báo SGGP về việc huyện đang sẵn sàng triển khai thực hiện NQ 98.
 

Đoàn du khách khám phá rừng ngập mặn và căn cứ nổi tại Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đoàn du khách khám phá rừng ngập mặn và căn cứ nổi tại Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Có thể áp dụng phần lớn cơ chế, chính sách

- PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ về cơ hội của huyện Cần Giờ từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM?

- Ông NGUYỄN VĂN HỒNG: Theo tôi, phần lớn các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 đều có thể áp dụng ở huyện Cần Giờ. Dễ dàng nhận thấy nhất là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án này được kỳ vọng tạo cơ hội lớn để TPHCM phát huy vị trí trung tâm liên kết vùng đô thị TPHCM tương xứng quy mô phát triển kinh tế của thành phố, góp phần phục hồi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế cảng - hàng hải. Dự án hình thành cũng sẽ góp phần hình thành chuỗi đô thị cửa biển của các tỉnh trong vùng liên kết trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ

Ngoài ra, dự án cầu Cần Giờ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Cần Giờ. Huyện đã kiến nghị HĐND TPHCM xem xét, đề xuất đầu tư dự án cầu Cần Giờ bằng hình thức BT hoặc BOT để đẩy nhanh tiến độ. Việc NQ 98 cho phép TPHCM được áp dụng hợp đồng BT, BOT trong các dự án giao thông là điều kiện thuận lợi để sớm đầu tư, thực hiện dự án.

- Trước lợi thế về diện tích rừng ngập mặn, huyện sẽ vận dụng NQ 98 như thế nào?

- Huyện Cần Giờ có gần 35.000ha rừng ngập mặn, việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon mà NQ 98 quy định cũng là một cơ hội của huyện.

"Trong định hướng phát triển huyện Cần Giờ đã được xác định, đa số những công trình, dự án, đề án, kế hoạch, chương trình… đều liên quan hoặc có thể áp dụng các cơ chế, chính sách theo NQ 98"- Ông NGUYỄN VĂN HỒNG, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM

Trong Hội thảo quốc tế “Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam” diễn ra giữa tháng 6-2023 qua, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã nhận định: rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao hơn từ 4-10 lần so với rừng trên cạn. Điều đó càng khẳng định tiềm năng lớn về tín chỉ carbon của huyện.

- Vậy còn các nhiệm vụ khác để phát triển huyện trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao?

- Tại các buổi làm việc với huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nhiều lần đặt yêu cầu về vấn đề phát triển năng lượng sạch, điện sạch. Nhiều nhà đầu tư từ châu Âu, châu Mỹ đã bắt đầu đề cập vấn đề sử dụng năng lượng sạch và xem đó là giá trị trong bảo vệ cộng đồng của sản phẩm để tiêu thụ ở các thị trường đòi hỏi tính sản xuất và tiêu dùng bền vững. Câu chuyện phát triển điện sạch phải làm với tư cách là trung tâm kinh tế, vừa là an ninh năng lượng, vừa là phát triển. Do đó, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố, trong đó có năng lượng sạch cũng là một cơ hội đối với huyện Cần Giờ. Huyện đã đề ra hướng phát triển các dạng năng lượng tái tạo như sức gió, ánh sáng mặt trời, sinh khối... Đến thời điểm này, một số nhà đầu tư đã đặt vấn đề với huyện việc nghiên cứu đầu tư dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ.

Tạo động lực phát triển mới của TPHCM

- Huyện xác định trách nhiệm trong vận dụng hiệu quả Nghị quyết 98 trở thành động lực mới thúc đẩy TPHCM phát triển theo Nghị quyết 12 như thế nào?

- Qua 45 năm chuyển mình từ khi sáp nhập về TPHCM, huyện Cần Giờ không ngừng phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn để từng bước khắc phục khó khăn và phát triển. Song, huyện vẫn gặp nhiều khó khăn như giao thông chưa thuận lợi; công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư chỉ dừng ở mức quan tâm dự án, chưa xúc tiến các bước đầu tư dự án; tiềm lực đất đai, mặt nước của huyện chưa được khai thác để tạo động lực thu hút nhà đầu tư...

Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển sắp tới, huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai NQ 12, trong đó có danh mục 41 đề án, công trình, kế hoạch. Nay có thêm NQ 98 và các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện NQ 98 của thành phố, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới phù hợp với đặc thù của địa phương. Huyện nhận thấy, NQ 98 và NQ 12 có sự thống nhất chủ trương lãnh đạo từ Trung ương đến TPHCM trong định hướng phát triển thành phố nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. Đây là động lực và cũng là trách nhiệm của huyện trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để xây dựng, phát triển, từng bước đưa Cần Giờ trở thành động lực mới thúc đẩy TPHCM phát triển.

- Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, huyện đặt ra những yêu cầu gì đối với cán bộ, đảng viên của huyện, theo chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo TPHCM, thưa ông?

- Huyện tiếp tục triển khai các giải pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù theo NQ 98. Chẳng hạn, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến năm 2030 có 100% cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương cùng 50% công chức, 30% viên chức có trình độ thạc sĩ trở lên.

Huyện cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo phục vụ tốt nhân dân; triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch của UBND TPHCM nhằm khuyến khích cán bộ vì lợi ích chung, dám nghĩ dám làm vì sự phát triển của huyện nói riêng và thành phố nói chung.

Gần 38.500 tỷ đồng thực hiện 444 dự án

UBND huyện Cần Giờ dự kiến thực hiện đầu tư 444 dự án với số vốn đầu tư gần 38.500 tỷ đồng (gồm ngân sách nhà nước gần 20.000 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách 18.500 tỷ đồng) để triển khai thực hiện NQ 12 của Thành ủy về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Huyện đã trình và được UBND TPHCM ban hành danh mục 41 đề án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện NQ 12; trình Dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An.

Trong danh mục 41 đề án, chương trình, kế hoạch, có dự án đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; tuyến phà kết nối huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng TPHCM tại huyện Cần Giờ…, hay mô hình phát triển đô thị sinh thái bền vững, thông minh và phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đều có thể nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách liên quan theo NQ 98.


KIỀU PHONG - NGÔ BÌNH thực hiện/ www.sggp.org.vn

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dua-can-gio-tro-thanh-do-thi-sinh-thai-ben-vung-post697219.html