Giảm sâu phát thải khí nhà kính

TP HCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, thúc đẩy chuyển đổi phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh...
 

Tại hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động cho TP HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 19-9, nhiều phương án cũng như giải pháp đã được đưa ra để thành phố xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Phát triển năng lượng xanh, bền vững

Ông Cao Tung Sơn, Trưởng Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở TN-MT, cho biết dự án năng lượng phát tán đô thị Việt Nam tại TP HCM do USAID tài trợ đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2022, Sở Công Thương là chủ dự án.

Dự án này nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0 của TP HCM; hỗ trợ các đơn vị phát thải KNK lớn tại thành phố nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê hằng năm; nghiên cứu biện pháp xây dựng nước hiệu quả trong các cơ sở công lập trên địa bàn.

Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới lưu thông tại TP HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh
Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới lưu thông tại TP HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh

PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM, cho rằng thành phố có nhiều cơ hội để triển khai kế hoạch giảm phát thải KNK. Tuy nhiên, việc này gặp một số thách thức như: nguồn tài chính lớn, biến đổi khí hậu phức tạp, năng lượng tái tạo thấp, chưa có hành lang pháp lý phát triển thị trường carbon thấp hay thách thức trong phát triển chính sách tăng trưởng xanh.

Do đó, ông Hồ Quốc Bằng cho rằng TP HCM cần phát triển năng lượng xanh trước. Khi có nguồn năng lượng này rồi mới khuyến khích các doanh nghiệp (DN), cá nhân chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang xanh. Với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP HCM sẽ có cơ hội phát triển tốt về năng lượng xanh và cần đẩy mạnh trong giai đoạn thực hiện nghị quyết này.

PSG-TS Hồ Quốc Bằng đề xuất các giải pháp cho 5 lĩnh vực nhằm giảm phát thải KNK, hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, giảm tỉ lệ sử dụng xe máy, ô tô; tăng tỉ lệ dùng phương tiện công cộng như metro, xe buýt và xe đạp; tăng tỉ lệ sử dụng điện cho các loại phương tiện xe khách, xe buýt, xe máy, ô tô; thay thế nhiên liệu DO sang CNG cho phương tiện...

Trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường phát triển điện gió, điện mặt trời áp mái. Trong hoạt động dân sinh và thương mại, triển khai các giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như dùng đèn LED, thiết bị tiết kiệm điện, thay thế bếp than bằng LPG...

Chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông

Từ năm 2020 đến nay, TP HCM đã từng bước chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện giao thông bởi đây là nguồn phát thải carbon lớn thứ 2 sau hoạt động công nghiệp.

Trong đó, đề án phát triển giao thông công cộng TP HCM đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng phương tiện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 400 xe buýt chạy bằng CNG (chiếm 20% tổng số xe buýt đang hoạt động).

Ngoài ra, tuyến xe buýt điện đầu tiên D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) đã đưa vào hoạt động từ tháng 3-2022 sau nhiều nỗ lực kêu gọi các DN đầu tư. Phương tiện này đang hoạt động ổn định, được hành khách đánh giá cao về chất lượng phục vụ cũng như thân thiện môi trường.

Song song đó, một số đề án về phát triển xe buýt điện loại nhỏ chở du khách ở trung tâm TP HCM đang được UBND thành phố thẩm định, chờ phê duyệt, như đề án thí điểm sử dụng phương tiện 4 bánh chạy bằng điện của Công ty TNHH Saigon Public Transport.

Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới lưu thông tại TP HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh
Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới lưu thông tại TP HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh

Mới đây, đầu tháng 9-2023, đề xuất thí điểm giải pháp "đổi pin chia sẻ", thúc đẩy chuyển đổi xe 2 bánh điện của Công ty Selex Motors được Sở GTVT TP HCM lấy ý kiến các sở - ngành, quận - huyện, nhằm có cơ sở báo cáo UBND thành phố để triển khai. Nếu giải pháp này được áp dụng sẽ khuyến khích người dân dùng xe điện nhiều hơn vì dễ dàng đổi pin, không mất thời gian sạc điện, giá thành giảm so với nhiên liệu hóa thạch. Hai phương tiện phù hợp để chuyển đổi trước là xe 2 bánh công nghệ phục vụ giao hàng và vận tải hành khách do di chuyển nhiều, khi áp dụng giúp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM, trên cơ sở Chính phủ đã có quyết định phê duyệt lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, bảo vệ môi trường, sở đã triển khai nội dung này đến các hiệp hội, DN để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thay đổi phương tiện cho phù hợp. Từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỉ lệ vận tải hành khách công cộng tại TP HCM đạt 25%. Từ năm 2030, tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

"Các kế hoạch này đang từng bước thực hiện. Ngoài tuyến xe buýt điện đầu tiên, TP HCM cũng tính toán định mức trợ giá hỗ trợ DN đầu tư tiếp 4 tuyến xe buýt điện còn lại. Riêng các đề án về giải pháp "đổi pin chia sẻ" hay xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch đều được sở đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả, thân thiện môi trường và ủng hộ các đơn vị thực hiện" - ông Đỗ Ngọc Hải khẳng định.

Phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường

Theo ông Cao Tung Sơn, TP HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức lớn của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, đòi hỏi thành phố phải từng bước thay đổi, có kế hoạch hành động, định hướng phát triển xanh, bền vững, trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế, TP HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường; các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. TP HCM cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư vào DN xanh, sạch, nông nghiệp thông minh; đầu tư công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực.


Bài và ảnh: THU HỒNG/nld.com.vn

Nguồn: https://nld.com.vn/moi-truong/giam-sau-phat-thai-khi-nha-kinh-20230921214533769.htm