Hợp tác chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh

Trong quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh và mục tiêu net zero, Việt Nam và các nước trong khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
 

Ông David M. Turk, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chia sẻ về những hỗ trợ, hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.

Ông David M. Turk, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
Ông David M. Turk, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Ông vừa có chuyến thăm các nước Đông Nam Á và tham dự các hội nghị bộ trưởng về năng lượng trong khu vực này. Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực của Hoa Kỳ trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại các nước ASEAN?

Tôi vừa có những cuộc họp rất quan trọng với các Bộ trưởng trong khu vực ASEAN và các cuộc gặp với một số Bộ trưởng để thảo luận song phương. Cách đây không lâu, tôi cũng có cơ hội đến thăm Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Điều đó cho thấy, chúng tôi đang dành rất nhiều thời gian và công sức cho khu vực này.

Chúng tôi xem Việt Nam và các nước ASEAN là một phần cốt lõi trong những nỗ lực tổng thể của mình và coi ASEAN là một tổ chức quan trọng, có tác động đáng kể. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ, làm những gì có thể để giúp các nước nói riêng và khu vực ASEAN nói chung đạt được các mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi đang có một số lĩnh vực hợp tác với các quốc gia cụ thể trong khu vực cũng như với cả khối ASEAN.

Với tư cách Chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đang thiết lập quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Indonesia và Việt Nam. Tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, chúng tôi có đối tác Net Zero World, nơi có chuyên môn kỹ thuật đỉnh cao, độc lập, đạt tiêu chuẩn vàng với 10 phòng thí nghiệm quốc gia để giúp các nước ASEAN có cùng mối quan tâm bằng những cuộc đối thoại kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghệ cụ thể; đồng thời, cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách và ra quyết định. Chúng tôi đang nỗ lực, cố gắng để trở thành đối tác thực sự của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN.

Chúng tôi cũng đang tiến hành nhiều cuộc đối thoại về chuỗi cung ứng năng lượng sạch và hợp tác với các quốc gia để họ không chỉ được hưởng lợi từ việc khai thác các khoáng sản, tài nguyên, mà còn nâng cao chuỗi giá trị để có được lợi ích kinh tế tốt hơn và hưởng lợi từ những nguồn lực đó. Nếu việc khai thác và sản xuất được thực hiện một cách có trách nhiệm, cũng góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ những công nghệ này trong tương lai.

Vậy những thách thức mà một số quốc gia Đông Nam Á gặp phải trên con đường thực hiện mục tiêu đạt net zero vào năm 2050 là gì? Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để các nước Đông Nam Á đạt được mục tiêu không phát thải ròng?

Thách thức lớn đối với không chỉ các nước Đông Nam Á, mà với tất cả các quốc gia, là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và có lộ trình hướng tới khử carbon phù hợp một cách khoa học. Đồng thời, cần phải tránh những hậu quả đang ngày càng tồi tệ hơn của biến đổi khí hậu mà tất cả các quốc gia đều đang phải gánh chịu, như hạn hán, nắng nóng kéo dài, các loại bão đang ngày càng dữ dội hơn.

Đặc biệt, thách thức lớn nhất là quy mô và tốc độ trong việc chuyển đổi nền kinh tế, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà còn cả giao thông - vận tải, sản xuất, xây dựng, trên mọi lĩnh vực, đạt được phát thải bằng 0 thực sự chỉ trong vòng vài thập kỷ. Đây là một khối công việc vô cùng lớn và tất cả chúng ta đều là một phần của quá trình chuyển đổi này. Vì vậy, cần hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau và có những hướng dẫn cũng như động lực để khu vực tư nhân thực sự cất cánh, góp phần thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Chúng tôi đã nhìn thấy một số cơ hội và tiềm năng lớn cho một số công nghệ và mô hình. Ở Philippines, công suất điện gió ngoài khơi có thể lên tới 170 GW. Việt Nam cũng có tiềm năng gió ngoài khơi rất lớn, bên cạnh năng lượng mặt trời, kể cả năng lượng mặt trời mặt nước…

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các nước châu Á trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng hydro?

Các cuộc họp quốc tế mà tôi tham dự gần đây đều đề cập đến chủ đề về hydro và hydro sạch. Chúng tôi đang cố gắng góp phần thúc đẩy nền kinh tế hydro sạch, không chỉ vì lợi ích của Hoa Kỳ, mà còn vì lợi ích của các nước trên thế giới.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã dành ra 8 tỷ USD đầu tư vào các trung tâm hydro để tận dụng hydro hiện có nhưng không phải hydro sạch và các cụm công nghiệp, để cố gắng xây dựng nền kinh tế hydro theo cách tiết kiệm chi phí.

Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ có vai trò hỗ trợ các mục tiêu khác về hydro ở các nước ASEAN cũng như toàn bộ khu vực và ngược lại. Thương mại quốc tế về hydro sạch đang là mối quan tâm lớn và chúng tôi có nhiều quan hệ đối tác để thúc đẩy điều đó. Đây là thời điểm của hydro, đồng thời cũng là động lực chung trong tương lai, đặc biệt là hydro có thể giúp khử carbon trong những lĩnh vực được gọi là khó khử carbon, như nhiều ngành công nghiệp, vận chuyển hàng hóa hạng nặng…

Mới đây, hãng sản xuất xe điện của Việt Nam - VinFast - đã niêm yết lên sàn Nasdaq. Ông có nhận định gì về triển vọng có thêm các doanh nghiệp Việt tham gia nền kinh tế xanh ở Hoa Kỳ?

Không còn nghi ngờ gì nữa, có một thị trường rộng lớn và cơ hội kinh doanh khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp hơn những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ, với nhiều ưu đãi thuế khác nhau. Chúng tôi cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của mình.

Trong trường hợp này, tôi cho rằng, đôi bên cùng có lợi, cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Việt Nam hay các doanh nghiệp trong khu vực và phía Hoa Kỳ. Doanh nghiệp có thể thu về lợi nhuận, đồng thời góp phần trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Hoa Kỳ. Điều đó cũng giúp họ trở thành những doanh nghiệp mạnh hơn và lành mạnh hơn.


Nguyễn Hương/baodautu.vn

Nguồn: https://baodautu.vn/hop-tac-chuyen-dich-nang-luong-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-d198055.html