Lộ trình chính sách thực hiện 100% năng lượng tái tạo

Hai chiến lược trọng tâm để đạt được mục tiêu 100% năng lượng tái tạo đó là điện khí hóa nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo kết hợp lưu trữ năng lượng.
 

Để Lộ trình chính sách thực hiện 100% năng lượng tái tạo (NLTT), Việt Nam cần xác định nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trên cơ sở đó cần tính toán chính xác những nguồn phát triển, xuất nhập khẩu để kết nối với các nguồn phụ tải để đảm bảo phát triển bền vững.

Giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông bằng cách khuyến khích áp dụng xe điện và các loại hình vận tải chạy bằng nhiên liệu tái tạo.
Giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông bằng cách khuyến khích áp dụng xe điện và các loại hình vận tải chạy bằng nhiên liệu tái tạo.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% NLTT vào năm 2050”, chương trình đã xây dựng 3 kịch bản cho ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050. Đó là, kịch bản phát triển thông thường (BAU), kịch bản 80% NLTT (80RE) và kịch bản 100% NLTT (100RE).

Trong đó tổng mức yêu cầu đầu tư năng lượng cho toàn nền kinh tế cao nhất đối với kịch bản BAU ở mức 5.133 tỷ USD, thấp nhất ở kịch bản 80RE là 3.817 tỷ USD (thấp hơn 26% so với kịch bản BAU), và cao nhất là kịch bản 100RE với mức tổng đầu tư là 4.089 tỷ USD (thấp hơn 20% so với kịch bản BAU).

Dựa trên kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra các đề xuất chính sách nhằm khuyến khích và tích hợp NLTT vào hệ thống điện, tạo cơ chế ưu đãi để áp dụng các giải pháp về NLTT và tăng cường khả năng vận hành linh hoạt các nguồn điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, khuyến khích áp dụng xe điện và các loại hình vận tải chạy bằng nhiên liệu tái tạo.

Giải pháp phát triển NLTT kết hợp với lưu trữ năng lượng để tận dụng tối đa công suất nguồn NLTT.
Giải pháp phát triển NLTT kết hợp với lưu trữ năng lượng để tận dụng tối đa công suất nguồn NLTT.

Góp ý tại tọa đàm PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hai chiến lược trọng tâm để đạt được mục tiêu 100% NLTT tại Việt Nam là điện khí hóa kết hợp nâng cao hiệu quả năng lượng và giải pháp phát triển NLTT kết hợp với lưu trữ năng lượng để tận dụng tối đa công suất nguồn NLTT.

Về lộ trình chính sách thực hiện 100% NLTT cho toàn bộ giai đoạn từ nay đến 2050, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương khuyến nghị trong quy hoạch ngành năng lượng cần có chính sách tích hợp nguồn NLTT, mở rộng lưới điện, đầu tư điện gió ngoài khơi, tích hợp tốt hơn việc lưu trữ năng lượng vào hệ thống điện…

Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận về thực trạng và những thách thức mới: Cụ thể từ giai đoạn 2016-2020, phát triển lưới điện truyền tải chỉ hoàn thành 70-90% chỉ tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu đầu tư. Vận hành hệ thống điện trong bối cảnh tỷ trọng NLTT cao năm 2020, tỷ trọng NLTT trong tổng công suất nguồn điện của Việt Nam xấp xỉ 30% nhưng tỷ trọng NLTT trong sản xuất điện chỉ bằng 12% sản lượng điện quốc gia.

“Như vậy cho thấy thực hiện cắt giảm NLTT do quá tải đường dây truyền tải điện là một bất cập, cần sớm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng. Hiện tại vẫn chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng nào hoạt động cho đến nay. Trong giai đoạn trước mắt đến năm 2030, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương đưa ra 4 khuyến nghị chính gồm: Tích hợp phát triển NLTT vào ngành điện; Điện khí hóa ngành giao thông vận tải; Phát triển điện gió ngoài khơi; và Tích hợp các mục tiêu biến đổi khí hậu với mục tiêu NDC của Việt Nam”- PGS.TS. Phạm Hoàng Lương chia sẻ.

>>Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

>>Áp lực của doanh nghiệp trước cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

Trước những khó khăn trên, đưa ra các khuyến nghị về cơ cấu thể chế, định giá và hợp đồng năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng phân tán phục vụ cho sản xuất, Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, trong thời gian tiếp theo, phương án mua bán điện trực tiếp (PPA) với sự tham gia của các đơn vị đầu tư sẽ tiếp tục là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là phương án giúp doanh nghiệp tiết kiệm vốn đầu tư, sử dụng điện mặt trời giá rẻ mà còn giúp doanh nghiệp được vận hành hệ thống, được nhận chuyển giao hệ thống điện mặt trời miễn phí sau thời hạn của hợp đồng.

Ông Phạm Đăng An chia sẻ, hiện đã có 929 trong 2.000 công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới trong danh sách Forbes Global 2000 đã đặt mục tiêu Net Zero (số liệu từ Net Zero Tracker); trong khi đó RE100 – sáng kiến kêu gọi các doanh nghiệp lớn sử dụng 100% điện từ NLTT – cũng đã có hơn 400 thành viên, bao gồm nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực. EU – một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam – đã ban hành đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Do đó không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong giai đoạn tới, khi Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) được áp dụng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon và việc mua bán các chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC sẽ càng tạo đà tthúc đẩy nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tại doanh nghiệp.

“Trong tương lai, theo xu hướng doanh nghiệp trung hòa carbon, có thể phát triển điện mặt trời kết hợp các giải pháp lưu trữ năng lượng, xe điện, thu giữ carbon…

Các doanh nghiệp sản xuất được tạo điều kiện sử dụng NLTT không chỉ mang lại ý nghĩa cho chính doanh nghiệp để thực hành ESG, tăng sức cạnh tranh, tiếp cận đơn hàng từ các thị trường quốc tế mà còn góp phần quan trọng cho lộ trình 100% NLTT tại Việt Nam”- Ông Phạm Đăng An khuyến nghị.

Dù vậy, kịch bản cho quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng đã có nhiều báo cáo và lộ trình cụ thể, nhưng chúng ta vẫn đang chờ chính sách tiếp theo để thực hóa Quy hoạch điện VIII, mặc dù đã được ban hành với nhiều mục tiêu được thông qua, trong đó năng lượng tái tạo là hạn nhân của quy hoạch nguồn điện trong tương lai và nâng cấp lưới điện, áp dụng công nghệ xây dựng hệ thống lưới điện phân vùng thông minh là điều kiện tiên quyết cho an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để đưa nhiệm vụ mục tiêu của Quy hoạch điện VIII vào thực tiễn, sử dụng hiệu quả các nguồn điện thì Bộ Công Thương cần phải sớm ban hành kế hoạch và hành lang pháp lý để thực hiện.

Người dân, các doanh nghiệp thậm chí Chính quyền các tỉnh thành phố đều mong chờ cơ chế và hướng dẫn đầy đủ của Bộ Công Thương và EVN để có thể tự nội tại khắc phục nguy cơ thiếu điện và các nhiệm vụ mà kịch bản đã đưa ra trong tương lai.

 

PHƯƠNG THANH/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/lo-trinh-chinh-sach-thuc-hien-100-phan-tram-nang-luong-tai-tao-250099.html