Nắng nóng khắp toàn cầu đang viết lại lịch sử khí hậu thế giới

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng nhanh đến mức lập kỷ lục trong tháng 6, dấu hiệu đáng ngại của cuộc khủng hoảng khí hậu trước thềm El Nino. Hơn nữa, đợt nắng nóng khốc liệt này đang viết lại lịch sử khí hậu thế giới.
 

 

Nắng nóng đang bao phủ toàn cầu.

Nắng nóng đang bao phủ toàn cầu.

Khả năng 2023 là năm nóng nhất

Nhiệt độ trung bình toàn cầu sơ bộ được đo cho đến thời điểm hiện tại của tháng 6 cao hơn gần 1 độ C so với các mức được ghi nhận trước đó trong cùng tháng kể từ năm 1979.

Dù chưa hết tháng 6 và có thể không lập kỷ lục mới trong tháng 6, nhưng các nhà khoa học khí hậu lưu ý, diễn biến này cùng với El Nino có thể thấy năm nay được coi là năm nóng nhất lịch sử, vượt qua năm 2016.

Copernicus - cơ quan quan sát Trái đất của Liên minh châu Âu - xác nhận hiện tượng "nóng lên toàn cầu đáng chú ý" cho đến thời điểm hiện tại của tháng 6. Theo Copernicus, vài ngày đầu tiên của tháng thậm chí đã vượt quá mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây dường như là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này kể từ khi công nghiệp hóa.

Tuần trước, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, các điều kiện El Nino đang xuất hiện và sẽ “dần dần mạnh lên” vào đầu năm tới.

Tương tự, nhà khí tượng học Phần Lan Mika Rantanen chỉ ra, đợt nắng nóng tăng vọt từ đầu tháng 6 đến nay là “bất thường” và ông “khá chắc chắn” rằng nó sẽ dẫn đến một tháng 6 nóng bức kỷ lục.

Nhiều đợt nắng nóng kỷ lục nghiêm trọng trong năm nay đã bao trùm các địa điểm từ Puerto Rico đến Siberia đến Tây Ban Nha. Nắng nóng gay gắt ở Canada dẫn tới những đám cháy rừng lớn và khói bụi ảnh hưởng tới bầu trời thành phố New York và Washington, Mỹ.

Theo một bản cập nhật do Noaa đưa ra hôm 14-6, thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng thứ 3 trong lịch sử 174 năm, với Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều chứng kiến tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận.

Mặc dù Noaa đưa ra dự báo thận trọng hơn về kỷ lục nhiệt hàng năm vào năm 2023 với tỷ lệ xảy ra khoảng 12%, nhưng gần như chắc chắn năm nay sẽ nằm trong tốp 5 hoặc 10 năm nóng nhất.

Siberia nóng 40 độ, kênh đào Panama có thể bị cắt đứt

Siberia ở Nga, một trong những nơi lạnh nhất thế giới, hiện đang phải hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử, ngột ngạt với nhiệt độ kỷ lục gần 40 độ C.

Mặc dù mới chỉ đầu tháng 6, nhưng các kỷ lục nhiệt độ đang được thiết khắp các vùng của Siberia.

Cụ thể, những ngày đầu tháng 6 nhiệt độ đạt 37,9 độ C ở Jalturovosk, 39,6 độ C ở Baevo và 38,5 độ C ở Barnaul, thậm chí một số vùng ở Siberi kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại bị phá vỡ khi đạt trên 40 độ C.

“Siberia là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên hành tinh với cường độ cực nóng ngày càng tăng” - ông Omar Baddour, quan chức của Tổ chức Khí tượng Thế giới, nói với CNN.

Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết: “Khu vực này đã chứng kiến một số đợt nắng nóng rất dữ dội. Những đợt nắng nóng có tác động lớn đối với con người và thiên nhiên và sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn”.

Không chỉ Siberia có nhiệt độ kỷ lục trong đầu tháng 6. Nó đã lan rộng khắp Trung Á. Vào đầu tháng 4, Turkmenistan có nhiệt độ lên tới 42 độ C, đây là “kỷ lục thế giới về vĩ độ đó” -nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu, nói.

Nhiệt độ hơn 45 độ C được ghi nhận ở Trung Quốc, 43 độ C ở Uzbekistan và 41 độ C ở Kazakhstan.

Hậu quả của nóng lên toàn cầu, còn đang đe dọa kênh đào Panama. Ở đó, mực nước đang giảm vì Trung Mỹ ít mưa hơn.

Kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Mỗi khi mở kênh, hàng triệu lít nước ngọt đổ ra biển, mực nước trong kênh giảm xuống, cần phải được bổ sung nước.

Kênh đào Panama sử dụng khoảng 200 triệu lít nước cho mỗi con tàu đi qua. Mưa ít sẽ khiến mực nước của kênh bị giảm, đồng nghĩa các tàu vận tải trọng lượng lớn không thể đi qua được.

Tuyến kênh đào này mang lại lợi ích to lớn cho vận chuyển toàn cầu. Vì thế nếu nó không sử dụng được, sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đối với thương mại toàn cầu.

Phải hành động ngay từ bây giờ

Nắng nóng khắc nghiệt lên tới hơn 40°C những ngày qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu được cảnh báo sẽ ngày càng phổ biến do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự thiếu vắng hành động làm chậm lại tiến trình này.

Thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi các quốc gian phải có ngay những giải pháp ứng phó toàn diện.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng phát đi cảnh báo, nắng nóng sẽ tạo ra thách thức cho hệ thống y tế do nhu cầu điều trị tăng cao.

Quan ngại trước những hệ lụy của nắng nóng cực đoan, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục kêu gọi chung tay chống biến đổi khí hậu. Các chuyên gia chỉ ra, đợt nắng nóng gần đây cho thấy sự cần thiết của hành động phối hợp trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các quốc gia cần giảm phát thải bằng cách loại bỏ than đá, hướng tới các nguồn năng lượng sạch; song song tập trung hơn vào việc thích ứng an toàn với các rủi ro.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nêu rõ, các quốc gia phát triển, giàu có cần thực hiện tốt cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Tóm lại, những đợt nắng nóng không chỉ là sự cảnh báo, còn là động lực để nhân loại thúc đẩy các giải pháp ứng phó thách thức khí hậu. Nỗ lực này cần có sự phối hợp, tăng cường hợp tác của tất cả quốc gia trên thế giới, qua đó biến những cam kết mạnh mẽ trở thành hành động với kết quả cụ thể.

H.N (tổng hợp)/dttc.sggp.org.vn

Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/nang-nong-khap-toan-cau-dang-viet-lai-lich-su-khi-hau-the-gioi-post105628.html