Ninh Thuận tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo

Đến đầu tháng 10, Ninh Thuận có 45 dự án năng lượng tái tạo đã vận hành thương mại. Bao gồm 11 dự án điện gió với công suất 666,75 MW, 34 dự án điện mặt trời với công suất khoảng 2.376 MW.
 

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng về năng lượng, chế biến, chế tạo. Nguồn: NTV.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng về năng lượng, chế biến, chế tạo. Nguồn: NTV.

Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước đạt 4.570,9 tỷ đồng tăng 13,8%; đóng góp 3,08% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện đóng vai trò quan trọng khi đạt 3.404 tỷ đồng, tăng 14,1%, đóng góp tăng trưởng 2,36% GRDP.

Theo Sở Công thương, cũng trong thời gian này, Ninh Thuận có 5 dự án năng lượng chuyển tiếp được nối lưới vận hành thương mại (tổng công suất 405 MW).

Ngoài ra, ngày 20/9/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã khởi công Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 (công suất 100 MW) và Dự án Điện mặt trời Phước Thái 3 (công suất 50 MW) tại huyện Ninh Phước. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 4.209 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024, bổ sung sản lượng điện hàng năm trên 247 triệu kWh.

Sở Công thương cũng cho hay, trong 3 tháng còn lại sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng đang triển khai và hạ tầng truyền tải điện.

Ngày 20/9/2023, Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 đã được khởi công xây dựng tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: PECC1.
Ngày 20/9/2023, Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 đã được khởi công xây dựng tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: PECC1.

Cụ thể, Sở sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công đối với đường dây 110kV; tham mưu UBND tỉnh xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn; thúc đẩy Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.4 (công suất 100 MW) vận hành thương mại cuối tháng 10/2023.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng xúc tiến thu hút đầu tư các dự án năng lượng về điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tự tiêu, thủy điện tích năng Phước Hòa, Bác Ái.

Được biết, tính đến ngày 4/10/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió với công suất 890,75 MW; tổng vốn đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng; trong đó có 11 dự án vận hành thương mại với công suất 666,75 MW.

Ngoài ra, 37 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất khoảng 2.576 MW, tổng vốn đầu tư hơn 68 nghìn tỷ đồng; trong đó có 34 dự án đã vận hành thương mại với công suất khoảng 2.376 MW.

Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang gặp khó khăn do chưa có kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; chưa có cơ chế giá mới; chưa có hướng dẫn pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số dự án chế biến, chế tạo còn chậm được triển khai; một số dự án vướng mắc, chồng lấn giữa các quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng…

Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đang gặp phải, ngày 4/10/2023, ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị các Sở, ngành liên quan cần lập các Tổ công tác, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để trao đổi, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Đồng thời, điều này cũng giúp cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.


Nguyễn Toàn/baodautu.vn

Nguồn: https://baodautu.vn/ninh-thuan-thao-go-kho-khan-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-d200213.html