Phát triển giao thông xanh

Phát triển giao thông xanh đang là xu thế tất yếu ở các đô thị trên thế giới. Với Việt Nam, giao thông xanh cũng là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đô thị xanh và đô thị thông minh.
 

Theo đánh giá chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 15 năm trở lại đây, các đô thị ở nước ta đều nằm trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường ở nhiều thành phố, thị xã của Việt Nam là các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng, dầu truyền thống, ít sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường. Do vậy, khí từ các phương tiện giao thông thải ra môi trường mỗi ngày rất lớn, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn của nước ta, số lượng ô tô, xe máy được người dân mua sắm ngày một tăng nên mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng cao.
Từ năm 2020 đến nay, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương phát triển giao thông xanh. Hà Nội đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của VinBus và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG. Tháng 12-2021, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã chính thức khai trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. Ở Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm dự án xe đạp đô thị phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch ở nhiều thành phố của nước ta còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thể các phương tiện giao thông.
 xe máy điện VinFast. Ảnh: TTXVN
xe máy điện VinFast. Ảnh: TTXVN
Trên thực tế, muốn xây dựng và phát triển giao thông xanh thì phải hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân và phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Cùng với đó là tăng cường các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo. Nhà nước và các địa phương cần những chính sách mang tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, thuyết phục để người dân tự giác chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng.
Chúng ta cần có hành lang pháp lý đạt quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này một cách đồng bộ, chặt chẽ. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho giao thông xanh, nhất là xe điện, tàu điện. Khích lệ xã hội hóa và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để phát triển giao thông xanh.
 Xe VinFast VF8. Ảnh: TTXVN
Xe VinFast VF8. Ảnh: TTXVN
Trước mắt, để xây dựng và phát triển giao thông xanh, các địa phương cần phải có phương án loại bỏ những phương tiện giao thông không đạt chuẩn, xả thải nhiều khí độc ra môi trường, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại xe điện, xe đạp. Tiếp đó là nâng cao hiệu quả phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng hiện có để thu hút người dân, từ đó góp phần giảm những phương tiện giao thông cá nhân. Có như vậy, giao thông xanh mới được lan tỏa ra xã hội và trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

LÊ PHI HÙNG/www.qdnd.vn
Nguồn: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phat-trien-giao-thong-xanh-732418