Phát triển xanh

Thời gian vừa qua nhiều địa phương đã lần lượt công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Đây được coi là sự kiện với mỗi địa phương sau hơn 1 năm Quốc hội công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia (theo Nghị quyết 81/2023/QH15).
 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo xu thế, địa phương nào cũng hết sức coi trọng nhân lực và năng lượng xanh. Yếu tố năng lượng sạch, điện gió... được nhiều địa phương hy vọng tạo ra sự khác biệt, thu hút các nhà đầu tư; từ đó lựa chọn các lĩnh vực phát triển theo hướng công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đáp ứng các yêu cầu mới về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Đây không chỉ vì yêu cầu phát triển của đất nước mà còn là cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định: “Phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Về vấn đề môi trường, chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách... Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.

Ngày 6/3 vừa qua, tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, Nam Định cần tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống... Không riêng Nam Định, các địa phương đều cần “lối đi riêng” trên cơ sở tiềm năng và lợi thế so sánh. Tuy nhiên, kinh tế xanh phải là “mẫu số chung” trong thời gian tới.

Để thực hiện được chiến lược phát triển xanh, tất nhiên cần tiếp tục hoàn thiện quy định luật pháp. Cách đây hơn 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Để hiện thực hóa chính sách này, trước hết phải xây dựng, hoàn thiện chính sách, công tác truyền thông về nội dung, tầm quan trọng, vai trò của kinh tế xanh. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, ưu đãi cho đầu tư vào tăng trưởng xanh, để tạo ra sự thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển nền kinh tế xanh.

 

Ngô Đức Hành/baophapluat.vn

Nguồn: https://baophapluat.vn/phat-trien-xanh-post505827.html