Tận dụng cơ hội trong chuyển dịch năng lượng

Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước nhiều biến động, hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) còn chịu tác động trực tiếp từ quá trình chuyển dịch năng lượng. Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mới, xác định rõ chiến lược, lộ trình trong quá trình chuyển đổi phù hợp với xu hướng và đặc thù chuyên ngành, đồng thời phát huy các lợi thế sẵn có của hạ tầng dầu khí.
 
Đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh ở châu Á với tỷ lệ tăng trưởng GDP hơn 6%/năm, trong đó ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm tạo ra khoảng trống, dần gây áp lực lên an ninh năng lượng đất nước.

Nắm bắt cơ hội mới, phát huy các lợi thế sẵn có của hạ tầng dầu khí    (Ảnh:PVN)
Nắm bắt cơ hội mới, phát huy các lợi thế sẵn có của hạ tầng dầu khí. Ảnh:PVN

Theo đó, bảo đảm an ninh năng lượng luôn được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiếp cận với nguồn năng lượng ổn định và có chi phí thấp là yếu tố hàng đầu bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế”.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Trước bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí suy giảm, để tiếp tục thực hiện vai trò của một doanh nghiệp trụ cột trong thực hiện chiến lược năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, Petrovietnam cần tìm những hướng đi mới trong tương lai, đặc biệt là phát huy các lợi thế sẵn có của ngành dầu khí Việt Nam, hình thành hoàn chỉnh toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị dầu khí từ thăm dò, khai thác, xử lý, vận chuyển, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí để phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Xây dựng, triển khai các định hướng chiến lược

Theo các chuyên gia, Petrovietnam nên xây dựng các định hướng chiến lược bao gồm gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng; sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạ tầng, tối ưu hóa chi phí sản xuất; giảm thiểu tác động môi trường; phát triển các lĩnh vực mới.

Cụ thể, về gia tăng trữ lượng, duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng, cần ưu tiên đẩy mạnh, rút ngắn tiến độ đưa các mỏ mới vào khai thác, tận dụng hạ tầng sẵn có, thăm dò và thăm dò mở rộng ở các khu vực lân cận bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Tập trung thực hiện đánh giá tiềm năng, trữ lượng dầu khí truyền thống, phi truyền thống và các cơ chế, chính sách, công nghệ phát triển mỏ nhỏ, mỏ cận biên, khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao, các lô hoàn trả, EOR. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống cảng nhập, kho chứa, phân phối LNG/khí đốt để cung cấp đủ khí theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ…

Về sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạ tầng, tối ưu hóa chi phí sản xuất cần phát triển lĩnh vực hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm dầu khí, tích hợp lọc dầu - hóa dầu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí; thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược cho các lĩnh vực, tích hợp hạ tầng, tài sản của Petrovietnam để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí.

Để giảm thiểu tác động môi trường, cần xây dựng chiến lược, lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính tiến tới phát thải ròng bằng 0; tích hợp các nguồn năng lượng, nguyên liệu tái tạo vào toàn bộ chuỗi giá trị của ngành dầu khí, đặc biệt là các nhà máy lọc hóa dầu để thay thế dần nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, để phát triển các lĩnh vực mới bao gồm năng lượng hydro, CCUS, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, cần tập trung nghiên cứu thị trường, khả năng tham gia của Petrovietnam vào chuỗi cung ứng hydro toàn cầu... Nghiên cứu tiềm năng năng lượng tái tạo, chuyển đổi mô hình Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng, có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, Petrovietnam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động đề xuất và tham gia đóng góp vào quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng. Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, ứng dụng và thử nghiệm công nghệ mới để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch, để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh khi thị trường có đủ điều kiện.

Đồng thời, chủ động tìm kiếm, xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế có thế mạnh về thị trường, công nghệ, tài chính để hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ nhằm triển khai các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam. Chú trọng vào đội ngũ chuyên gia, quản lý, hợp tác với các trường đại học để phát triển, xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch.

 
Hoàng Yến/daibieunhandan.vn

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tan-dung-co-hoi-trong-chuyen-dich-nang-luong-i314841/