Thông điệp Xanh mở kỷ nguyên An lành

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero) vào năm 2050 là mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là luật chơi mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
 

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam:

Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Chúng ta cũng là nước tiên phong trong cam kết này. Qua đây, cũng đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm lớn của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và cũng là mục tiêu mà chúng ta hướng đến.

Ngay sau Hội nghị COP 26, với tinh thần hợp tác hành động, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai các kết quả và cam kết, trong đó có việc thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để đề xuất các cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

Việt Nam đã đàm phán thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia G7. Các địa phương cũng đã triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Một số tập đoàn đa quốc gia đã có hoạt động hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước để thực hiện mục tiêu đề ra tại COP26.

Thông điệp Xanh mở kỷ nguyên An lành - Ảnh 1
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm loại bỏ các dự án có mức phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nếu đạt được mục tiêu này, sẽ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với thế giới, tăng vị thế của chúng ta trên trường quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đã cam kết tại COP26, chúng ta không đơn độc một mình mà song hành cùng nhiều quốc gia. Chúng ta cần duy trì, cố gắng nỗ lực, tập hợp lực lượng các quốc gia cùng hành động.

Hiện nay, Trái đất đang chịu ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu bởi việc phát triển kinh tế chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường đúng mức. Không thể không làm tốt lên, càng nhanh, càng nhiều càng tốt để không chỉ gìn giữ cuộc sống của chúng ta mà cho các thế hệ mai sau.

Đi sâu hơn nữa là vấn đề kinh tế tuần hoàn (KTTH), chúng ta không thể làm một cách đơn độc, không chỉ tập trung ở một thời điểm mà phải kiên trì. Dù mục tiêu đề ra là đến 2050 nhưng chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ, phải quyết liệt và kiên trì, thường xuyên, liên tục, không chỉ đi một mình mà phải đi cùng toàn nhân loại.

Rõ ràng, việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề nguồn lực tài chính đã và đang trở thành vấn đề nan giải. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và cả người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới kinh tế xanh, KTTH. Không chỉ Việt Nam cần cố gắng thực hiện những mục tiêu mình đã cam kết, mà tất cả các nước phải cùng chung tay, nhất là các nước đang phát triển.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam:

Phát triển kinh tế xanh, KTTH đang được toàn nhân loại coi là lựa chọn tất yếu cho một tương lai thân thiện với môi trường. Ý tưởng về kinh tế xanh được Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) khởi xướng năm 2008, khi mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như: Khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học, khủng hoảng nhiên liệu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nước sạch, và nghiêm trọng nhất là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009.

Ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, khái niệm kinh tế xanh không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.

Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, đó là việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và giảm 30% phát thải khí methane trong giai đoạn 2030 - 2040. Đây là những mục tiêu tham vọng, thể hiện cam kết của Việt Nam hướng tới các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy những mục tiêu toàn cầu của chúng ta.

Thông điệp Xanh mở kỷ nguyên An lành - Ảnh 2
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng là một mục tiêu căn bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song hành với mục tiêu phát triển kinh tế.

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện tổng hòa các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển ngành dịch vụ môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch, xây dựng ý thức con người...

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường:

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam đã đề ra định hướng "Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" và "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất". Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ "Xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình KTTH là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa.

Hiện nay, việc chuyển đổi sang KTTH là xu hướng tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguồn nguyên liệu thô đang ngày càng cạn kiệt đặc biệt là đối với nguồn tài nguyên không thể tái tạo, từ đó tạo ra sự phụ thuộc vào các nước khác về nguyên liệu thô dẫn đến những căng thẳng, xung đột về kinh tế, chính trị giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ rệt, việc phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2 làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu đã gây nên những tác động tiêu cực đến cuộc sống và mọi lĩnh vực liên quan.

Thông điệp Xanh mở kỷ nguyên An lành - Ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.

Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới chuyển đổi sang mô hình KTTH và đạt được những thành tựu ấn tượng chính là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam. Có thể thấy, KTTH sẽ giúp giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhập khẩu. Nền kinh tế tuyến tính truyền thống sẽ gặp nhiều hạn chế khi nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Áp dụng các phương pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế là một trong những bước quan trọng để hướng tới trạng thái đầy đủ về nguồn lực.

Với xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh, KTTH là một trong những mục tiêu cần hướng đến và việc ra các chính sách phù hợp từ phía Chính phủ là rất quan trọng. Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp luật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTH. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ các mô hình KTTH, chú trọng tới hiệu quả đầu tư và phát triển KTTH, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển KTTH.

Cần tập trung vào đầu tư cho khoa học công nghệ vì đây là yếu tố cốt lõi cho sự thành công khi phát triển KTTH. Việc phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tập trung vào năng lực về công nghệ của các doanh nghiệp, kỹ năng của nguồn nhân lực sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang KTTH. Nên có sự lựa chọn các ngành, lĩnh vực phù hợp để ưu tiên phát triển khi áp dụng mô hình KTTH, từ đó tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển tạo nên sự thành công chung trong phát triển KTTH tại Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường:

Sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), một luật chơi mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập. Hiện nay có 2 xu hướng chính, thứ nhất là đưa các tiêu chí kinh tế vào trong các hiệp định đa biên về môi trường, thứ hai là đưa các tiêu chí về môi trường vào các hiệp định kinh tế đa biên. Đây rõ ràng là những vấn đề khó mà Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng.

Các cam kết môi trường trong các hiệp định kinh tế đa biên đã mở ra một chương mới trong việc đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo các hoạt động thương mại quốc tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường cũng như góp phần hỗ trợ, thúc đẩy thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường. Mặc dù vậy, các cam kết môi trường cũng sẽ tạo ra những khó khăn và thách thức cho các quốc gia đang phát triển trong việc đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn môi trường đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường quốc tế.

Hiện nay nhận thức của cộng đồng về vấn đề môi trường trong các hiệp định kinh tế đa biên còn rất hạn chế. Về mặt nhận thức, chúng tôi có tiến hành một khảo sát nhỏ tại một số cơ quan thực thi pháp luật, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, hiểu biết của họ về hiệp định kinh tế đa biên còn rất hạn chế. Chính vì vậy, cần có những giải pháp để hỗ trợ, tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu rõ hơn về hiệp định kinh tế đa biên, về quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong đó.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 40 công ước về môi trường, vấn đề là chúng ta áp dụng các quy định, cam kết quốc tế vào Việt Nam như thế nào?. Một là, áp dụng trực tiếp. Hai là, thông qua nội luật hóa. Khi mà chuyển hóa cam kết quốc tế vào quy định trong nước thì phải đảm bảo được tính đồng bộ, tương thích, và phải có văn bản hướng dẫn thi hành.

Khoảng cách từ cơ chế, chính sách pháp luật đến thực thi còn rất xa, do đó cần có cơ chế thực thi pháp luật tốt hơn, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh bị tụt hậu so với các nước cùng tham gia hiệp định kinh tế đa biên.

Thông điệp Xanh mở kỷ nguyên An lành - Ảnh 4
Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.

Trong nhiều hiệp định kinh tế đa biên có đề cập đến khái niệm "Tiêu chuẩn cao về môi trường", nhưng tiêu chuẩn nào thì bản thân tôi cũng không biết. Nếu theo tiêu chuẩn châu Âu thì Việt Nam thực sự rất vất vả mới có thể đạt được. Ngoài ra, có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường được Việt Nam công nhận, nhưng Quốc tế họ không công nhận. Điều này sẽ liên quan mật thiết đến việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tương lai.

Thời gian gần đây vấn đề môi trường luôn được đề cao trong các hiệp định kinh tế đa biên. Tuy nhiên, hầu hết các thuật ngữ trong hiệp định kinh tế đa biên đều rất mới. Chính vì vậy, vai trò của các nhà khoa học rất quan trọng, đó là làm rõ khái niệm, nội hàm của những thuật ngữ này trong các hiệp định kinh tế đa biên.

Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng thể các vấn đề kể từ khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định kinh tế đa biên, từ thể chế pháp luật đi đến thực thi như thế nào? Sửa luật không dễ và mất nhiều thời gian, do đó cần dựa vào lăng kính hiệp định kinh tế đa biên, từ khi gia nhập đến nay chúng ta đã thể chế hóa được những gì?

Thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi thể chế, pháp luật cho phù hợp với tình hình. Mặc dù vậy, tính phối hợp rất quan trọng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các nhà khoa học và doanh nghiệp. Chúng ta không thể thoát khỏi xu hướng chung của thế giới, nhưng chúng ta cần chủ động và tỉnh táo khi tham gia cuộc chơi có sự góp mặt của nhiều quốc gia phát triển.

 

Thiện Tâm/kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thong-diep-xanh-mo-ky-nguyen-an-lanh-85144.html