Thúc đẩy hợp tác tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam

Ngày 23/1, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức.
 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. 
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vui mừng chào đón ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức cùng các thành viên đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam và CHLB Đức đã có mối quan hệ hợp tác 50 năm và đặc biệt, CHLB Đức là một trong những quốc gia của EU mà Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sớm nhất. Hai bên duy trì đều đặn tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ, tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, nhiều năm liên tiếp, CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước duy trì trên 10 tỷ USD. Đức cũng là nhà đầu tư đứng thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong hợp tác tài chính, hợp tác kỹ thuật, CHLB Đức chú trọng đầu tư vào 3 lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam là đào tạo nghề, năng lượng và môi trường.

Thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 5,05%, thu ngân sách vượt 8,12% dự toán, chỉ số CPI khoảng 3,25%, kim ngạch xuất nhập khẩu có giảm khoảng 9% so với năm 2022, nợ công hiện nay khoảng 37% GDP… Bộ trưởng nhấn mạnh, nền kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên Việt Nam vẫn nỗ lực để phát huy mọi tiềm năng để vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trường đã đề ra khoảng 6-6,5%.

Bày tỏ mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa CHLB Đức và Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hợp tác tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: "CHLB Đức là trái tim của châu Âu, do đó, sức sống nền kinh tế của Đức phát triển thì châu Âu sẽ phát triển và quan hệ hợp tác châu Âu với Việt Nam sẽ rất tốt".

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Tài chính Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao thế mạnh cũng như hỗ trợ của Chính phủ Đức trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, đào tạo nghề và môi trường.  

Ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức phát biểu tại buổi làm việc.
Liên quan đến nguồn vốn thực hiện cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong khi phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, trong đó có Chính phủ Đức cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam.

Về tháo gỡ các vướng mắc về khung pháp lý cho các dự án ODA, hiện Việt Nam đang triển khai các bước để sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chào mừng ông Jochen Flasbarth cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chào mừng ông Jochen Flasbarth cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức cảm ơn Bộ trưởng cùng các cán bộ Bộ Tài chính Việt Nam đã dành thời gian đón tiếp đoàn. Đồng thời nhấn mạnh, thế giới nhìn nhận Việt Nam như một đất nước phát triển năng động, nhanh chóng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi vẫn đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. 

“Đức và Việt Nam đều là những quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, trước các diễn biến kinh tế, biến cố chính trị thế giới, chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng và buộc các nền kinh tế phải tìm cách để đối phó với những cú sốc”, ông Jochen Flasbarth nêu rõ.

Ông Jochen Flasbarth khẳng định, Đức dành nhiều nguồn tài chính hợp tác trong lĩnh vực hợp tác phát triển và hiện nay, mức cam kết của Đức dành cho Việt Nam là 1,3 tỷ euro. 

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
Dẫn lời Bộ trưởng chia sẻ về việc sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, ông Jochen Flasbarth cho rằng, đây sẽ là “chìa khoá” để Việt Nam giải quyết những vấn đề then chốt trong sử dụng nguồn vốn ODA. 

Kết luận buổi làm việc, trước những khó khăn về nguồn vốn nói chung và nguồn vốn doanh nghiệp tư nhân trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo, hai bên thống nhất sẽ tổ chức các hội nghị trao đổi, kết nối các doanh nghiệp Đức với Việt Nam để thu hút nhiều nguồn vốn vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng này.

 

Gia Hân/tapchitaichinh.vn

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/thuc-day-hop-tac-tai-chinh-cho-chuyen-doi-nang-luong-tai-tao-cua-viet-nam.html