Toàn cầu hướng tới loại bỏ dần than đá, ngăn chặn “thảm họa” khí hậu

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia phải loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để ngăn chặn “thảm họa” khí hậu, hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”.
 

Theo giới chuyên gia khí hậu, than đá là nguồn nguyên liệu quan trọng nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà giới khoa học ví than đá là kẻ thù của loài người.

Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết các quốc gia phải loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để ngăn chặn “thảm họa” khí hậu.

Ông Guterres cho biết việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C vẫn có thể thực hiện được nhưng đòi hỏi giảm 45% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại sẽ dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này, điều này được gọi là “thảm họa”.

Ông kêu gọi hành động toàn cầu ngay lập tức hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”, điều này phải bắt đầu từ trung tâm ô nhiễm của cuộc khủng hoảng khí hậu: ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Toàn cầu hướng tới loại bỏ dần than đá, ngăn chặn “thảm họa” khí hậu - Ảnh 1

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia phải loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để ngăn chặn “thảm họa” khí hậu. (Ảnh minh họa)

Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, các quốc gia phải dần dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ông đã từng kêu gọi chấm dứt tất cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp; đồng thời cảnh báo rằng nếu không thực hiện điều này thì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) sẽ không đạt được. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có than đá được chú ý, với cam kết của các quốc gia cách đây 2 năm về việc “giảm dần” việc sử dụng loại nhiên liệu này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, năng lượng tái tạo là con đường đáng tin cậy duy nhất nếu thế giới muốn ngăn chặn thảm họa khí hậu, đồng thời chỉ rõ Kế hoạch năng lượng năm điểm cho một quá trình chuyển đổi công bằng.

Cùng quan điểm, các nhà khoa học hiện nay đều cho rằng các quốc gia cần cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính của nước mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết, trong đó chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch được xem là hướng đi bền vững nhất.

Trước đó, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng, để tránh nguy cơ bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế thế giới cần phải được chuyển đổi căn cơ trong một vài năm tới. Trọng tâm của cuộc chuyển đổi này là phải dứt bỏ than càng nhanh càng tốt.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho biết, năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ vượt qua đầu tư vào sản xuất dầu trong năm nay. Tuy vậy, sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa giảm đủ nhiều để đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2050.

Là một trong những nhiên liệu có chi phí rẻ, sản lượng dồi dào, mặc dù gây ô nhiễm nhất nhưng than vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới dù các năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ hơn. 

Than đá được sử dụng để sản xuất ra khoảng 37% điện năng trên thế giới vào năm 2019 và là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào với giá rẻ ở nhiều quốc gia. 

Theo đó, nguồn nhiên liệu này dẫn đầu trong sản xuất điện ở các nước Nam Phi, Ba Lan và Ấn Độ. Những quốc gia này sẽ cần những khoản đầu tư lớn để hỗ trợ các ngành công nghiệp và lĩnh vực năng lượng trong nước chuyển sang sử dụng những nguồn nhiên liệu sạch hơn.

Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/toan-cau-huong-toi-loai-bo-dan-than-da-ngan-chan-tham-hoa-khi-hau-78283.html