TPHCM: Cần cơ chế để phát triển điện mặt trời

TPHCM đang triển khai đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, do chính sách của Bộ Công thương còn những bất cập, việc phát triển năng lượng sạch này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
 

Hoàn thiện đề án

Ngày 17/10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan có cuộc họp về đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT), triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Theo đó, ông Hoan yêu cầu trụ sở cơ quan hành chính cần nghiên cứu phương án đầu tư tập trung bằng vốn đầu tư công. Giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá các trụ sở đủ điều kiện lắp đặt (gồm: diện tích, công suất lắp đặt, mục đích tiêu thụ tại chỗ, an toàn về điện...). Sau đó, phối hợp Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) và các đơn vị liên quan khảo sát, lập danh sách các trụ sở cơ quan hành chính đủ điều kiện lắp đặt, khái toán khối lượng đầu tư và tổng mức đầu tư thực hiện.

Ông Hoan cho biết, khuyến khích đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở bằng nhiều hình thức đầu tư, đa dạng về nguồn vốn triển khai; giao Sở Tài chính có ý kiến về đối tượng, nguồn vốn, hình thức lắp đặt, gửi Sở Công Thương tổng hợp, hoàn thiện đề án. Sở Công Thương phải đánh giá hiệu quả đầu tư của việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà. Lãnh đạo TPHCM chỉ đạo Sở Công thương, EVNHCMC làm việc, kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương, Thủ tướng về cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống ĐMT mái nhà và báo cáo trước ngày 30/11/2023.

Vào ngày 06/8, tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời", cử tri đã đặt câu hỏi khi nào TPHCM triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tại Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết: TP đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành để xây dựng đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống ĐMT.

Bảo dưỡng hệ thống năng lượng điện mặt trời (Ảnh: TTXVN)

Sở đang hoàn thiện để trình UBND TP trong tháng 8/2023 và triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT vào tháng 9/2023. Thế nhưng đến nay, cuối tháng 10/2023, lãnh đạo TP mới giao Sở Công thương hoàn thiện đề án. Vậy là các bước triển khai vấn đề này còn chậm.

Vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc

Với Nghị quyết 98, TPHCM cần tận dụng cơ hội để khuyến khích doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh, nhất là các DN ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ cho phép UBND TPHCM quyết định sử dụng mái nhà ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan đơn vị được xác định là tài sản công, chưa cho phát triển ĐMT mái nhà ở các KCN, KCX, trong khi những nơi này có diện tích lớn. Chưa cho phép làm ĐMT áp mái ở khu vực này là một bất lợi lớn, khiếm khuyết trong chính sách của Bộ Công Thương.

Bộ này cho rằng với cơ chế lắp đặt hệ thống điện áp mái cho nhà xưởng, các nhà máy, KCN, KCX thì cần có thời gian để nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt. Có nghĩa là còn phải chờ. Trong khi đó, hiện tại và trong tương lai rất gần, nhiều quốc gia, khu vực như Liên minh châu Âu (EU) đều yêu cầu và đặt điều kiện cần phải sử dụng năng lượng xanh trong các sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, Bộ Công thương cần bổ sung thêm việc cho phép đầu tư hệ thống ĐMT ở các KCX, KCN.

Một vấn đề khác, theo EVNHCMC, Nghị quyết 98 có điều khoản nêu rất rõ về đầu tư ĐMT áp mái nhà ở các trụ sở công, song phát sinh tình trạng thời gian nghỉ trưa là lúc bức xạ nhiệt lớn nhất hoặc trong những ngày nghỉ sẽ dôi dư sản lượng điện rất lớn. Nếu không cho phát ngược lên lưới điện thì không tính được hiệu quả đầu tư dự án. Do đó, EVNHCMC kiến nghị cần có hệ thống lưu trữ năng lượng ở thời gian nghỉ trưa, ngày nghỉ. Đây là khó khăn về mặt kỹ thuật, cũng cần có giải pháp.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp tại trụ sở một doanh nghiệp ở TPHCM (Ảnh: EVNHCM)

Điện áp mái hộ gia đình đang khó khăn

Về vấn đề hộ gia đình có thể lắp ĐMT mái nhà, tại hội nghị khách hàng ngày 11/4/2023 của EVNCMCM, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết TPHCM đang có 14.152 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất 355,198 MWp đang vận hành (chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện). Song đến hết năm 2020, việc phát triển ĐMT mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ. Việc tạm dừng đấu nối lưới điện từ ngày 01/01/2021 đến nay, khiến nhiều DN và hộ gia đình đã đầu tư ĐMT mái nhà gặp khó khăn.

Chính sách của Bộ Công thương hiện nay là khuyến khích phát triển nguồn điện mái nhà công sở, nhà ở được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công-tơ mua điện) nhưng không phát lên lưới quốc gia và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Điều này được hiểu, các chủ đầu tư ĐMT áp mái sẽ phải tự cân đối nguồn - tải tại chỗ. Bộ Công thương lý giải: Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMT tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600MW. Với quy mô này, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt ĐMT áp mái, vì chỉ cần khoảng 12,5% số nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về ĐMT mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021-2030) được đặt ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nghĩ đến làm ĐMT áp mái các hộ dân, công sở để tự tiêu thụ thì không giải quyết được vấn đề gì. Muốn có kết quả, đóng góp sản lượng lớn vào hệ thống điện quốc gia thì phải suy nghĩ về quy mô của ĐMT tại các KCN, KCX và cần phải tổ chức xây dựng hệ thống liên kết giữa các DN trong một KCN và phải nối vào điện lưới quốc gia. Đặc biệt, việc Bộ Công Thương khuyến khích người dân phát triển điện mái nhà "tự sản tự tiêu" có thể phù hợp, nhưng không cho họ bán cho các công ty điện lực hoặc khách hàng khác sẽ đẩy khó cho người dân.

Sau thời gian khuyến khích người dân lắp ĐMT áp mái, EVN đã thông báo dừng việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMT mái nhà sau ngày 31/12/2020, nguyên nhân là do áp lực truyền tải. Chính vì vậy trong hơn 2 năm qua, tốc độ phát triển ĐMT mái nhà của các hộ dân gần như dậm chân tại chỗ. Việc tạm dừng đấu nối lưới điện quốc gia khiến nhiều DN và hộ gia đình đã đầu tư ĐMT mái nhà gặp rất nhiều khó. Những khách hàng trước đó có kế hoạch đầu tư nguồn điện sạch này để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho ngành điện cũng không thể thực hiện được.

Được biết, tháng 3/2023, Sở Công thương TPHCM đã có báo cáo tham mưu UBND TP để đề xuất Chính phủ ban hành về cơ chế đặc thù được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung phát triển ĐMT mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại TP. Theo báo cáo, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TPHCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Báo cáo cũng khẳng định hệ thống lưới điện của TPHCM bảo đảm giải tỏa hết công suất của các hệ thống ĐMT mái nhà lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải.

TPHCM đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT (giá điện ưu đãi), cơ chế thực hiện đầu tư ĐMT mái nhà được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho phép TPHCM sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

Thực tế, TPHCM có tiềm năng rất lớn về ĐMT nhưng với những vướng mắc đó rất khó phát triển, mà cần những cơ chế phù hợp với đặc thù của TP. Trong khi đó, một phần cơ chế rất quan trọng lại chờ ở Bộ Công thương...


LƯU VĨNH HY/congan.com.vn

Nguồn: https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/can-co-che-de-phat-trien-dien-mat-troi_154244.html