Trung Quốc trở thành nhà vô địch về năng lượng tái tạo như thế nào?

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố thông tin đáng khích lệ trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu: vào năm 2023, thế giới sẽ có một “bước nhảy vọt lớn” về việc lắp đặt điện tái tạo, gồm năng lượng gió và mặt trời, với hơn 50% số lượng lắp đặt so với năm 2022. Và Trung Quốc là quốc gia đang thúc đẩy sự tăng trưởng lịch sử về năng lượng tái tạo.
 

Trung Quốc trở thành nhà vô địch về năng lượng tái tạo như thế nào?

Một tuabin điện gió tại Trung Quốc. Ảnh AFP
Trung Quốc đã trở thành một cường quốc xanh thực sự. Các vùng nông thôn hoặc sa mạc phía bắc và phía tây nước này đã xuất hiện những trang trại quang điện khổng lồ. Một số có kích thước bằng hai mươi sân vận động bóng đá. Năng lượng tái tạo ở Trung Quốc còn bao gồm rất nhiều tua bin gió trên đất liền, trên biển và một số lượng lớn các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của các khu công nghiệp và nhà ở.

Angeline Sanzay, chuyên gia về ngoại giao khí hậu giữa châu Âu và Trung Quốc, tại E3G Think, cho biết: “Đã gần một thập kỷ kể từ khi Trung Quốc trở thành nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời hàng đầu thế giới, nước này cũng là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”. Đây cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Tốc độ phát triển nhanh

Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra tiềm năng kinh tế của năng lượng mặt trời và năng lượng gió từ rất sớm. Về năng lượng mặt trời, 15 năm trước, Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển dây chuyền sản xuất các tấm quang điện. Vì điện từ năng lượng mặt trời vẫn còn khá đắt vào thời điểm đó nên mục tiêu của nước này là xuất khẩu những sản phẩm được sản xuất.

“Cách đây 15 năm, Chính phủ Trung Quốc đã chọn việc sản xuất các tấm quang điện là mục tiêu chiến lược. Việc này đã hỗ trợ cho ngành công nghiệp phát triển năng lực sản xuất, Heymi Bahar, nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế và là tác giả của báo cáo về năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2023, giải thích. “Với ngày càng nhiều công nghệ và kinh nghiệm, Trung Quốc tham gia vào thị trường pin mặt trời với quy mô tăng mạnh và đẩy giá đi xuống. Sau đó, Trung Quốc mới bắt đầu lắp đặt các tấm pin tại nhà”, ông tiếp tục. Tương tự đối với tua bin gió: các nhà máy sản xuất tua bin và nhiều bộ phận khác hiện đang hoạt động hết công suất.

Than đá

Trung Quốc đã dẫn đầu sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất và sau đó là lắp đặt các trang trại gió và mặt trời. Nhưng do nhiều cơ sở lắp đặt nằm ở các khu vực xa xôi, không có người ở nên vấn đề kết nối với mạng lưới để cung cấp cho các thành phố lớn, chủ yếu nằm ở phía đông, là một thách thức lớn đối với chính phủ.

Bất chấp sự bùng nổ năng lượng sạch, Trung Quốc vẫn là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh. Nền kinh tế đang phát triển của nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các nhà máy điện đốt than gây ô nhiễm nặng.

Về phía đối thủ, Mỹ và Châu Âu đang cố gắng bắt kịp cuộc đua năng lượng sạch, vì hiện tại, họ vẫn đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp Trung Quốc để dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.

 

Anh Thư/nangluongquocte.petrotimes.vn

AFP

Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-tro-thanh-nha-vo-dich-ve-nang-luong-tai-tao-nhu-the-nao-704260.html