Xe buýt Hà Nội ngày càng hút khách

Dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội tăng mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm tai nạn, ùn tắc.
 

Thay đổi thói quen của người dân


Tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 223,8 triệu lượt. Ảnh: Tạ Hải.

Những năm gần đây, lượng hành khách sử dụng xe buýt tại Hà Nội ngày một gia tăng, có khá nhiều người bỏ xe cá nhân để đi xe buýt.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với năm 2021.

Trong khi đó, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho biết, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 223,8 triệu lượt.

Chị Vũ Như Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi sử dụng xe máy để di chuyển sang Gia Lâm làm việc, đường xa, hơn 40km cho cả hai lượt di chuyển.

Nhưng từ hai năm nay, tôi bỏ xe cá nhân để di chuyển bằng xe buýt. Trên xe mới, điều hòa mát lạnh vào mùa hè, đội ngũ nhân viên tận tình chu đáo. Giá vé hàng tháng cũng chỉ 200.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với di chuyển bằng xe cá nhân. Ở công ty tôi cũng có khoảng 30-40 người khác sử dụng xe buýt để đi làm hàng ngày".

Cũng chọn đi xe buýt từ hơn một năm nay, anh Hoàng Văn Hùng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, anh không nghĩ tới việc xe buýt sẽ thành phương tiện chính khi đến công sở. Nhưng thấy đồng nghiệp chia sẻ về chất lượng các tuyến buýt nên anh đã quyết định thay đổi thói quen.

"Ban đầu tôi chỉ muốn sử dụng thử một tháng, nhưng thấy tiện hơn hẳn so với phương tiện cá nhân nên đã lựa chọn xe buýt từ đó tới nay", anh Hùng nói.

Di chuyển với quãng đường rất xa, hơn 50km cho cả hai chiều, từ khoảng hai năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng (Quốc Oai, Hà Nội) đang làm cho một cơ quan ở phố Quốc Tử Giám (Đống Đa) cũng lựa chọn xe buýt.

"Hằng ngày, đi xe đạp điện từ nhà tới điểm xe buýt mất khoảng 10 phút, sau đó đi một tuyến buýt từ Quốc Oai đến đường Trần Duy Hưng, di chuyển tiếp một tuyến buýt về đến bến xe Kim Mã và đi xe máy gửi ở bến xe để tới cơ quan. Tuy hơi vòng vèo nhưng ở khoảng cách xa trung tâm như vậy, tôi không thấy mệt mỏi", chị Hồng nói.

Nâng cao chất lượng, đổi mới phương tiện




Phụ xe thu tiền vé của hành khách đi xe buýt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, chất lượng VTHKCC bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước.

Đoàn phương tiện xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Công tác bảo dưỡng, vệ sinh xe duy trì thường xuyên, đảm bảo chất lượng và mỹ quan khi đưa ra hoạt động.

Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt nhất.

Đáng chú ý, văn hóa xe buýt đã dần hình thành, những hình ảnh đẹp về văn minh, lịch sự như giúp đỡ, nhường ghế cho người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, trả lại tài sản cho hành khách... ngày càng phổ biến. Chiều ngược lại, thư góp ý, phản ánh về xe buýt ngày càng giảm.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo trên, việc phát triển hạ tầng phục vụ xe buýt hiện đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quỹ đất và quy hoạch phát triển chưa đồng bộ. Trên mạng lưới rất khó tổ chức giao thông, tách làn hỗn hợp, tạo làn riêng cho xe buýt, không có quỹ đất để hình thành những điểm trung chuyển liên tuyến, nội mạng, điểm đầu cuối ổn định.

Bên cạnh đó, tại các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đầu tư xây dựng ngay từ khâu chuẩn bị dự án chưa dành quỹ đất cho hoạt động xe buýt. Thậm chí, hạ tầng trên tuyến thường xuyên bị chiếm dụng, xâm phạm.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, cần có cơ cấu đầu tư thích hợp vào các điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng đỗ dọc tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho xe buýt dừng đỗ, ra vào đón trả khách thuận tiện và an ninh trật tự trên xe, trên tuyến.

Điểm đầu cuối phải được thiết kế sao cho đảm bảo về mỹ quan đô thị, đảm bảo khả năng thông qua của xe buýt, đảm bảo quay trở đầu xe dễ dàng và có thể kết nối với các phương thức vận tải khác.

TS Bình cũng nhấn mạnh: "Đối với làn đường dành riêng cho xe buýt, cần khai thác tối đa, hiệu quả bằng cách cấm, hạn chế phương tiện cá nhân đi vào, nâng cao chất lượng mặt đường; Nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến có làn đường dành riêng cho xe buýt, đặc biệt là trên các đoạn có nhiều tuyến buýt đi qua, đường đủ điều kiện về bề rộng".

Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Tổng số xe buýt đang khai thác trên toàn mạng là 2.279 xe, trong đó có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 138 xe buýt điện); Có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên.

Mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 70%; 33/37 khu đô thị đạt 89%.


Lê Tươi/www.baogiaothong.vn

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/xe-buyt-ha-noi-ngay-cang-hut-khach-192231002215206829.htm