GWEC đề xuất Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT điện gió

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và ngành điện gió toàn cầu kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió Việt Nam.

Theo GWEC, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót trước ngày 1/11/2021 để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT). Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Những mục tiêu năng lượng nhiều tham vọng được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện 8 đã phản ánh cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu giảm thải carbon trong hệ thống năng lượng và cải thiện sức cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp và chính sách phù hợp, kịp thời để giữ gìn những thành quả đã đạt được là hết sức cần thiết.  

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành, có thể kể đến như: tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài… Theo kết quả khảo sát do GWEC thực hiện đối với ngành điện gió, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra và do đó, có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021. 


Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền cùng người dân địa phương. Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho các nhóm dân cư ven biển và thúc đẩy một nền kinh tế xanh cho Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành, bảo dưỡng.

Ông Ben Blackwell, Chủ tịch GWEC cho biết: “Trong một năm rưỡi trở lại đây, những gián đoạn trong đi lại, di chuyển nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19 đã tái diễn tại nhiều quốc gia. Nhận thức được vấn đề đó, nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ và Hy Lạp đã đưa ra các gói chính sách cứu trợ hoặc cho các dự án thêm thời gian để đạt thời hạn vận hành thương mại. 

Sự hỗ trợ đó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc đầu tư và phát triển các dự án điện gió được duy trì dù cho có xảy ra những khó khăn trong thời đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà phát triển dự án. Tại Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ tương tự cũng rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19”.

GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định nhưng do những tác động khách quan của đại dịch COVID-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch đã đặt ra. 

GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn, thay vì việc gia hạn một cách vô điều kiện. Biện pháp này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió. Ví dụ, vào tháng 5/2020, Hoa Kỳ ban hành ân hạn 1 năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế. Trong khi đó, vào tháng 6/2020, Ấn Độ giãn thời hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng đối với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6. 

Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của COVID-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Điều này có hàm ý chính sách quan trọng bởi điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng mang tính bền vững, đáng tin cậy, mang tính bản địa với giá cả hợp lý cho Việt Nam.

Điện gió sẽ có những đóng góp rất lớn cho tương lai ngành năng lượng Việt Nam và việc hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo là cần thiết để bảo toàn sức hấp dẫn của quốc gia như là một điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trước đó, ngày 20/7/2021, tại Công văn số 198/CV-VCEA, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cũng đã có văn bản kính gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan để đề nghị gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3-6 tháng, của các Dự án điện gió đang thực hiện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tránh việc hàng loạt Chủ đầu tư dự án điện gió bị phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Lan Anh

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/GWEC-de-xuat-Viet-Nam-lui-thoi-han-ap-dung-co-che-gia-FIT-dien-gio-6-164-12170