Phát triển thích ứng với khí hậu

Năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã nhấn mạnh quy mô chưa từng có của thách thức cần giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C để tránh những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Năm năm sau, thách thức đó thậm chí còn lớn hơn do sự gia tăng liên tục của phát thải khí nhà kính.
 
 

Tốc độ và quy mô của những biện pháp đã được thực hiện cho đến nay và các kế hoạch hiện tại được đánh giá là không đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Chú thích ảnh

Đáy sông Po khô nứt nẻ do nắng nóng kéo dài tại vùng Veneto, Italy ngày 5/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo tổng hợp công bố sau phiên họp toàn thể kéo dài một tuần ở Interlaken (Thụy Sĩ), IPCC tiếp tục  đưa ra cảnh tỉnh về tình trạng nhiệt độ bề mặt Trái Đất đang tăng với tốc độ đáng báo động. Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ sáu của IPCC dựa trên kết quả của hơn 100 phiên bản mô hình với đầu vào là 5 kịch bản phát thải khí nhà kính, cung cấp một cái nhìn đa chiều về biến đổi khí hậu, trở thành một tài liệu chính sách cơ bản để định hình hành động khí hậu trong phần còn lại của thập niên then chốt này.

IPCC nhấn mạnh thực tế cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn, tác động không nhỏ đến tự nhiên và con người trên toàn thế giới. Tình trạng biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và nguồn nước dự kiến sẽ nghiêm trọng hơn cùng với sự nóng lên toàn cầu. Hiện gần 50% dân số thế giới sống ở những vùng rất dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu. Trong thập niên qua, số người chết do lũ lụt, hạn hán và bão lũ cao gấp 15 lần ở những khu vực này. Trong khi đó, rủi ro kết hợp với các yếu tố bất lợi khác, như đại dịch hoặc xung đột, càng khiến thách thức trở nên khó kiểm soát. 

Tuy nhiên, báo cáo của IPCC chỉ rõ cơ hội thay đổi vẫn còn. Theo các chuyên gia, có nhiều phương án khả thi và hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Lồng ghép hành động khí hậu hiệu quả và công bằng sẽ không chỉ giúp giảm tổn thất và thiệt hại cho thiên nhiên và con người, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn. Giải pháp nằm ở sự phát triển thích ứng với khí hậu.

Điều này liên quan đến việc tích hợp các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cùng các hành động để giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính theo những cách cung cấp lợi ích rộng lớn hơn. Ví dụ tiếp cận với năng lượng sạch và công nghệ giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, điện khí hóa carbon thấp, khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, qua đó nâng cao chất lượng không khí, cải thiện sức khỏe, cơ hội việc làm và mang lại sự công bằng. Lợi ích kinh tế cho sức khỏe của người dân từ việc cải thiện chất lượng không khí sẽ tương đương hoặc thậm chí có thể lớn hơn chi phí giảm hoặc tránh phát thải. 

Tuy nhiên, phát triển thích ứng với khí hậu ngày càng trở nên khó khăn hơn với sự nóng lên toàn cầu. Đây là lý do tại sao các lựa chọn được đưa ra trong vài năm tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai và của các thế hệ mai sau.

Để đạt hiệu quả, giới chuyên gia khuyến cáo những lựa chọn này cần bắt nguồn từ các giá trị, thế giới quan và kiến thức đa dạng, bao gồm tri thức khoa học, tri thức bản địa và tri thức địa phương. Cách tiếp cận này sẽ tạo điều kiện phát triển thích ứng với khí hậu và cho phép các giải pháp phù hợp với địa phương, được xã hội chấp nhận.

Chú thích ảnh

Những tảng băng trôi ở Baffin Bay, đảo Greenland, ngày 18/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vấn đề mấu chốt là cần có đủ nguồn tài chính để nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường tài chính cho đầu tư khí hậu là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Hành động tăng tốc về khí hậu sẽ chỉ xảy ra nếu các nước có đủ tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, cam kết chính trị, phối hợp chính sách, hợp tác quốc tế, quản lý hệ sinh thái và quản trị toàn diện đều rất quan trọng đối với hành động khí hậu hiệu quả và công bằng.

Các chuyên gia khẳng định nếu công nghệ, kiến thức về các phương pháp hoặc kỹ thuật và các biện pháp chính sách phù hợp được chia sẻ, nguồn tài chính đầy đủ có sẵn, mọi cộng đồng có thể giảm mạnh phát thải carbon. Với sự đầu tư đáng kể nhằm thích ứng, cộng đồng quốc tế có thể ngăn ngừa rủi ro gia tăng, đặc biệt là đối với những nhóm người và khu vực dễ bị tổn thương.

Các chuyên gia nhấn mạnh khí hậu, hệ sinh thái và xã hội được kết nối với nhau. Bảo tồn hiệu quả và công bằng khoảng 30-50% diện tích đất, nước ngọt và đại dương của Trái Đất sẽ giúp đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh. Những thay đổi trong lĩnh vực thực phẩm, điện, giao thông, công nghiệp, tòa nhà và sử dụng đất đai có thể làm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời có thể giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc hướng tới lối sống carbon thấp, mà cũng sẽ cải thiện sức khỏe và phúc lợi. Hiểu rõ hơn về hậu quả của việc tiêu thụ quá mức có thể giúp mọi người đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá báo cáo của IPCC là khuyến nghị về cách tháo gỡ "quả bom hẹn giờ" khí hậu, song để thực hiện, cần phải có một bước đột phá trong hành động về khí hậu. Trong khi đó, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee kết luận: “Những thay đổi mang tính chuyển đổi có nhiều khả năng thành công hơn khi có niềm tin, nơi mọi người làm việc cùng nhau để ưu tiên giảm thiểu rủi ro, đồng thời chia sẻ lợi ích và gánh nặng một cách công bằng". Đó là chìa khóa để phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, mở ra tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người.

Tố Uyên (Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ)/baotintuc.vn

Nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/phat-trien-thich-ung-voi-khi-hau-20230322134734386.htm