Tại những điểm đảo nổi và đảo chìm tại Trường Sa, đường điện quốc gia không thể nối tới, cách duy nhất để có được nguồn cung điện sử dụng cho các chiến sỹ, hộ dân đó là những tấm pin năng lượng mặt trời và tuabin điện gió.

Đảo Phan Vinh là điểm đảo cuối cùng trong lãnh hải Việt Nam, là nơi xa đất liền nhất của Tổ quốc. Cũng như bao điểm đảo khác, nguồn cung cấp điện duy nhất mà nơi đây sử dụng là pin mặt trời cùng tuabin điện gió.

Hiện toàn đảo Phan Vinh có hơn 300 tấm pin năng lượng mặt trời đặt tập trung áp lên mái nhà và rải rác quanh đảo.

Tính riêng năng lượng từ pin mặt trời, lượng điện năng thu được chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu sử dụng của toàn đảo.

Bên cạnh pin mặt trời, những tuabin điện gió cũng góp phần nhỏ vào việc bổ sung năng lượng sinh hoạt cho các chiến sỹ trên đảo.

Với lượng điện năng khiêm tốn thu được, phần lớn chỉ đủ sử dụng cho những bộ phận đầu não chỉ huy.

Theo đó, hàng ngày, các chiến sỹ và hộ dân sẽ được cung cấp điện theo một khoảng thời gian nhất định.
Chị Lữ Kim Cúc (Cam Ranh, Khánh Hoà, hộ dân tại đảo Sinh Tồn) cho biết, mỗi ngày hộ dân được cấp điện khoảng 7-8 tiếng, nhưng cũng phải dùng rất tiết kiệm vì điện ở đây điện rất quý.

Một lượng lớn tủ lạnh, tủ bảo quản cũng được ưu tiên sử dụng điện liên tục cho mục đích dữ trữ chiến lược nguồn lương thực thực phẩm cho các cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Điện năng chuyển hóa được nạp vào một lượng ắc quy lớn ở trung tâm điều độ điện toàn đảo.

Từ trung tâm điều độ, điện năng sẽ được cung ứng đến các vị trí khác nhau tùy theo thứ tự ưu tiên nhu cầu.

Hàng ngày, các cán bộ chiến sỹ phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh các tấm pin mặt trời.

Đây là nguồn cung điện duy nhất mang ý nghĩa quan trọng của các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Biến nắng nóng và gió biển thành điện năng, những cánh đồng năng lượng này là minh chứng cho sự quật cường của con dân Việt Nam ở những nơi khó khăn nhất.
Phạm Khánh Huy
https://kinhtemoitruong.vn/nhung-canh-dong-nang-luong-noi-dao-xa-56567.html