Tiến sỹ Nguyễn Quân: đau đáu niềm mong mỏi phát triển KH&CN Việt Nam

Hơn một thập kỷ qua, ngày 18 tháng 5 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng với khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam, không chỉ dành để tôn vinh những thành tựu và cống hiến của đội ngũ trí thức mà còn là ngày phát dương tinh thần đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Mốc son của KH&CN nước nhà

Vào mỗi dịp chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam, nhiều nhà khoa học thường nhớ về một vị Bộ trưởng đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với nền KH&CN nước nhà – Tiến sỹ Nguyễn Quân. Ngày 18/5/2014, ông chính là người thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lần đầu tiên Lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam.

Cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi,… Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ,…”. Khoa học và công nghệ phải hướng đến mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KH&CN nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KH&CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua, quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.

Trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu”; “KH&CN, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Tiến sỹ Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN sinh ngày 12/6/1955 tại vùng quê lúa Thái Bình. Cả cuộc đời ông hơn 40 năm qua, kể từ khi tốt nghiệp loại giỏi ngành nhiệt điện Bách khoa Hà Nội năm 1977 và bắt đầu làm giảng viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho tới cương vị Bộ trưởng, rồi nay là Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, luôn gắn bó liên tục với chặng đường phát triển KH&CN của nước nhà. Ông chính là người có những đóng góp to lớn để xếp hạng quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam
Vị lãnh đạo truyền cảm hứng cho KH&CN

Những ai từng tiếp xúc hoặc làm việc với Tiến sỹ Nguyễn Quân, đều có thể cảm nhận được nơi ông luôn đau đáu một nỗi niềm mong mỏi, làm sao để phát triển KH&CN của Việt Nam ngang tầm thế giới?! Dù ở tuổi thất thập, góc nhìn và tư duy của ông vẫn không ngừng tiệm cận với các vấn đề mang tính thời đại, luôn theo kịp các tiến bộ của KH&CN toàn cầu.

Đội ngũ những người làm công tác KH&CN đánh giá ông là người truyền cảm hứng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, người suốt đời kiên định duy trì mục tiêu nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về khoa học và công nghệ, quan tâm đầu tư và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đồng thời động viên, khích lệ và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của nền KH&CN nước nhà.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, giai đoạn Tiến sỹ Nguyễn Quân làm người đứng đầu Bộ KH&CN, Việt Nam đã có một số thành tựu nổi bật, góp phần đưa nước ta vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bắt đầu bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Nền tảng pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ về cơ bản được hoàn thiện, đặc biệt, Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Luật KH&CN 2013 và hàng loạt cơ chế chính sách mới  được ban hành đã tạo điều kiện cho KH&CN đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả. Cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động KH&CN được đổi mới đã giải phóng sức sáng tạo của cộng đồng KH&CN, tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN trong các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Niềm tự hào của Tiến sỹ Nguyễn Quân, người chỉ đạo, tổ chức, dẫn dắt hàng loạt những thành công của KH&CN, cũng là niềm tự hào chung của giới KH&CN nước nhà. Tuy nhiên, nơi ông vẫn còn đó nhiều trăn trở về chặng đường của KH&CN Việt Nam phía trước khi hệ thống quản lý KH&CN Việt Nam phải tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường bao gồm quy luật cạnh tranh, quy luật cung – cầu và quy luật giá trị cũng như các thông lệ quốc tế.

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Mạng lưới cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội tại buổi lễ ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa – BK Fund

Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ

Tiến sỹ Nguyễn Quân mong muốn Việt Nam triển khai các chương trình KH&CN quốc gia tạo ra hàng loạt sản phẩm giá trị gia tăng lớn, năng suất cao, chất lượng cạnh tranh, bằng việc xây dựng hệ thống các Viện nghiên cứu xuất sắc, các tập thể khoa học mạnh, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khu công nghệ cao và công viên khoa học, bằng việc hình thành đội ngũ cán bộ KH&CN giỏi ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trăn trở của Tiến sỹ Nguyễn Quân là: “KH&CN phải làm gì để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực sự là trụ cột của các giải pháp đột phá?”. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế, để những người quản lý và điều hành có được sự đồng thuận cao trong việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, chấp nhận từ bỏ tư duy cũ và thói quen cũ gây ách tắc hoạt động sáng tạo. Làm thế nào để giới quản lý quan tâm đặt hàng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống, ban hành cơ chế chính sách kịp thời và phù hợp trên quan điểm phục vụ cộng đồng khoa học. Làm thế nào để giới khoa học tự giác thoát khỏi “vòng kim cô” của kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, để mỗi người dân đều thấy không thể thiếu ý tưởng sáng tạo trong cuộc sống của họ và để mỗi doanh nghiệp cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà. Ông hiểu rằng các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hoạt động KH&CN đều thấm đẫm sự nhọc nhằn của những nhà khoa học và quản lý, là những ngày đêm trăn trở, những hội thảo căng thẳng với sự phản biện thuyết phục và là sự chắt lọc ý tưởng và kinh nghiệm của nhiều thế hệ quản lý. Ông cũng biết rằng, nhiều tư tưởng đổi mới sẽ gặp phải rào cản, không dễ được chấp nhận cho dù tư tưởng ấy vốn là thông lệ các nước đi trước chúng ta.

Ông ví von, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận có ‘ốc đảo” xanh tươi giữa sa mạc nắng cháy, tuy nhiên cần bắt đầu từ “ốc đảo” ấy để lấn dần sa mạc. Vấn đề là cần tập trung đầu tư cơ chế và tiền bạc cho một cơ sở nghiên cứu khoa học trong khi đất nước còn nghèo và trình độ phát triển còn thấp. Điều đó đòi hỏi sự chia sẻ, chấp nhận, và cả sự hy sinh của nhà quản lý. Vấn đề là chúng ta có muốn đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại hay không?

Tiến sỹ Nguyễn Quân mong muốn, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, KH&CN trở thành động lực của nền kinh tế, người làm quản lý ở các bộ ngành, địa phương hãy đặt niềm tin vào các nhà khoa học, giao quyền tự chủ cho họ, thậm chí giao quyền lực thực sự cho họ, hãy tạo cơ hội cho các tổng công trình sư, những nhà khoa học đầu ngành để họ cống hiến cho đất nước những công trình xứng tầm.

Mới đây, ngày 10/5/2024, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair) đã cùng phối hợp khai mạc Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7, sự kiện là dịp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị này, Tiến sỹ Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội nghị lại tiếp tục nhấn mạnh vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước. Ông nói, Việt Nam đang bước vào năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước sang năm thứ 4 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã rất quyết liệt thực hiện và đã có những thành công bước đầu. Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Đây là mục tiêu đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, có thuận lợi là cộng đồng các nhà khoa học luôn quan tâm đồng hành cùng Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay hầu hết dịch vụ công đã được thực hiện trên môi trường số, xã hội số bước đầu cùng có những tiến bộ. Tuy nhiên, kinh tế số – một trong ba trụ cột của Chính phủ số còn nhiều thách thức. Hoạt động chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, mặc dù có sự đồng hành nhưng nhận thức cũng như năng lực thực hiện còn có hạn chế. Tiến sỹ Nguyễn Quân mong rằng sau sự kiện còn có nhiều kết nối bởi vì tự động hóa là công nghệ quan trọng, dù là trong AI, IoT, Bigdata,… Ông khẳng định, VAA sẽ đồng hành được với giới doanh nghiệp và các nhà khoa học để cùng tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Quân với thế hệ trẻ

Vào mỗi dịp kỷ niệm ngày hội tôn vinh KH&CN, ngày 18 tháng 5, Tiến sỹ Nguyễn Quân lại thêm một lần tin tưởng rằng tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KH&CN của các thế hệ đi trước tiếp tục được tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa, phát huy mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, với tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong trái tim, với sự thông minh, can đảm, ý chí tự lực, tự cường, sự quyết tâm cao độ và nỗ lực vươn lên, cũng sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển KH&CN của Việt Nam ta.

Tuấn Anh

Nguồn:Tiến sỹ Nguyễn Quân: đau đáu niềm mong mỏi phát triển KH&CN Việt Nam - Tạp chí tự động hóa ngày nay | Automation today (vnautomate.net)