Xe tải hydro: Một ván cược liều lĩnh nhằm giúp Đức thoát khỏi động cơ diesel

Khi chiếc xe chở hàng hạng nặng tiến vào trung tâm Berlin, không có tiếng động cơ nào lấn át được tiếng vỗ tay, vì đó là một chiếc xe chạy bằng hydro và nó vừa phá kỷ lục tự lái, làm nổi bật tiềm năng của công nghệ không carbon này.

Xe tải hydro: Một ván cược liều lĩnh nhằm giúp Đức thoát khỏi động cơ diesel

Nguyên mẫu xe tải GenH2 của Daimler Truck, chạy bằng hydro, đã đến Berlin sau khi đi được 1.047 km, ngày 26 tháng 9 năm 2023

Trong tuần này, tập đoàn Daimler Truck - nhà dẫn đầu thế giới về sản xuất xe tải, đã thể hiện sức mạnh của mình bằng cách lái xe nguyên mẫu “GenH2” đi được 1.047 km. Theo nhà sản xuất Đức, từ nhà máy của tập đoàn ở Wörth am Rhein (gần biên giới Pháp và thủ đô nước Đức), chiếc xe đã thực hiện được một hành trình tự lái chỉ với một lần sạc hydro, và đạt được một kỷ lục cho xe tự lái.

Bà Petra Dick-Walther - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, cho biết: “Họ đã chứng minh được rằng một xe tải nặng cũng có thể di chuyển bền vững trên một quãng đường dài”.

Nhưng trước khi vận tải đường bộ chuyển đổi sang công nghệ này, Đức cần phải giải quyết rất nhiều trở ngại: Thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn hydro, chi phí và thách thức kỹ thuật.

Chọn điện hay pin nhiên liệu?

Andreas Gorbach – Giám đốc công nghệ xe tải tại Daimler Truck, giải thích: “Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ diễn ra trong “nửa sau của thập kỷ”. Ông chỉ ra những điều kiện cần phải được đáp ứng: "Đầu tiên là cơ sở hạ tầng của các trạm sạc hydro, thứ hai là tạo ra sự phù hợp cho khả năng kinh tế cho khách hàng của chúng tôi, nhờ vào nguồn năng lượng xanh sẵn có với chi phí cạnh tranh”.

Pin nhiên liệu hydro không gây tác động mạnh đến môi trường vì chúng chỉ thải ra hơi nước. Trong khi đó, động cơ diesel của xe tải hạng nặng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng lưu ý: Pin phải là hydro xanh - được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Hiện nay, sản lượng hydro xanh đang ở mức rất thấp.

Do đó, xe tải động cơ hydro có đà phát triển kém hơn so với xe tải hạng nặng chạy bằng động cơ điện. Hiện nay, Daimler, cũng như Volvo của Thụy Điển, đã sản xuất được nhiều mẫu xe điện. Theo quan điểm của nhà sản xuất Đức, hai công nghệ này bổ sung cho nhau. Ưu điểm của động cơ điện là có thời gian sạc ngắn và đi được quãng đường ngắn, trong khi hydro đáp ứng được quãng đường dài và có thời gian sạc ngắn hơn nhiều. Ông Andreas Gorbach tin rằng: “Nhằm khử cacbon trong giao thông vận tải, chúng ta sẽ cần cả hai”.

Tường giá

Các nhà sản xuất châu Âu đang chịu áp lực vì các tiêu chuẩn đã trở nên nghiêm ngặt hơn, ngay cả khi xe tải có chỉ tiêu ít khắt khe hơn so với xe du lịch. Quy định năm 2019 của Ủy ban châu Âu yêu cầu giảm được 30% lượng khí thải gây ô nhiễm từ xe tải vào năm 2030. Một đề xuất mới thì yêu cầu: Những mẫu xe tải mới phải giảm phát thải được 90% vào năm 2040 so với mức của năm 2019.

Thêm vào đó là sự cạnh tranh từ những nhà sản xuất quốc tế, chẳng hạn như Tesla của Mỹ hay BYD của Trung Quốc. Họ cũng tham gia vào việc chuyển đổi động cơ xe tải. Theo một nghiên cứu gần đây của Liên đoàn Giao thông và Môi trường Châu Âu (T&E), các nhà sản xuất châu Âu “có thể mất 11% thị phần xe tải hạng nặng vào năm 2035” tại Lục địa già nếu không nhanh chóng phủ xanh phạm vi của mình.

Công ty khởi nghiệp Mỹ Nikola - khách hàng của nhà sản xuất thiết bị Bosch của Đức, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt mẫu phương tiện chở hàng hạng nặng chạy bằng hydro xuyên Đại Tây Dương, thông qua việc tận dụng chính sách trợ cấp công của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden. Trong tháng 8, công ty đã nhận được tổng cộng 202 đơn đặt hàng từ 18 khách hàng khác nhau. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng hydro sẽ chỉ tạo ra bước đột phá nếu giá thành của hydro giảm.

Hiện tại, Daimler Truck ước tính, các mẫu xe chạy bằng pin điện có giá thành cao hơn những 2,5 lần so với mẫu xe tương đương chạy bằng động cơ diesel. Chưa kể, nếu sử dụng hydro, ta không thể tính toán được vì trạm sạc của chúng… không tồn tại.

Daimler đã hợp tác với một số nhà sản xuất xe tải và nhà cung cấp năng lượng (Shell, BP, Total) ở châu Âu và Bắc Mỹ nhằm phát triển mạng lưới trạm sạc hydro. Ông Rainer Müller - Giám đốc Mercedes-Benz Trucks (một trong những thương hiệu của tập đoàn Daimler), đảm bảo rằng mạng lưới sẽ thành hiện thực "vào cuối thập kỷ". Daimler đặt mục tiêu đưa được xe tải chạy hydro ra thị trường với giá cạnh tranh như xe tải diesel.

Nhưng những người khác thì kém lạc quan hơn. Theo dự đoán của T&E, hydro sẽ chỉ thể hiện được năng lực cạnh tranh từ năm 2040 hay thậm chí là trễ hơn, trong những điều kiện nhất định.

Ngọc Duyên

Nguồn:Xe tải hydro: Một ván cược liều lĩnh nhằm giúp Đức thoát khỏi động cơ diesel (petrotimes.vn)