Gọi tôi là Vũ

Không ai lựa chọn được nơi mình sinh ra, và cũng hiếm ai có thể chọn cái tên đầu đời của mình. Nhưng nếu ngay cả một mảnh giấy xác thực nhân thân còn chưa từng có, thì một người hoàn toàn có thể tự chọn tên cho mình. Dù rằng về pháp lý, điều đó vô nghĩa. Nguyễn Trần Phong Vũ là một người như vậy, một cái tên tự đặt như vậy.

Gọi tôi là Vũ

Số không ngoài đời – Bá chủ trên mạng

Bố của Vũ từng là quân nhân, nhưng đào ngũ khi được gửi tới bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Trở về Hà Nội, ông yêu và cưới mẹ Vũ. Đám cưới không giấy hôn thú, hay nói đúng hơn là họ cứ về sống với nhau, rồi lần lượt có 3 mặt con.

Chị cả của Vũ sinh năm 1983, lấy chồng từ năm 17 tuổi. Giấy tờ con cái theo nhà chồng. Anh trai thứ hai của Vũ sinh năm 1990, cũng đã lập gia đình, và giấy tờ con cái theo nhà vợ. Vũ sống cùng gia đình anh chị trong ngôi nhà bố mẹ để lại, ở sâu trong ngõ phố Bạch Mai. Căn nhà mua bán giấy viết tay, dù đã sống mấy chục năm, hai anh em cũng không hợp thức hóa được. Đơn giản vì cả hai không có giấy tờ tùy thân.

Vũ từng đi học, bằng giấy chứng sinh của người anh họ tên là Nguyễn Việt Thắng. Hơn 20 năm trước, mảnh giấy con con của bệnh viện ấy giúp Vũ được nhập học vào trường tiểu học Bạch Mai. Không dễ dàng gì. Thằng bé Vũ còm nhom nhút nhát, thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, và buồn hơn – bị chính cô chủ nhiệm coi thường. Cả nhà 5 miệng ăn lúc đó trông vào quán nước chè cổng Bệnh viện Phụ sản của mẹ Vũ.

"Mẹ tôi ngày nào cũng đạp xe đi bán hàng, ngày nắng cũng như ngày mưa, khỏe hay ốm. Bà chỉ nghỉ duy nhất chiều 30 và sáng ngày Mồng Một Tết. Bán để nuôi sống cả gia đình. Lao lực, mẹ tôi gầy tới mức các bác tôi gọi mẹ là Mắc Áo", Vũ nhớ lại. "Nhưng mẹ vẫn cố gắng cho chúng tôi ăn học".


Gọi tôi là Vũ ảnh 1

                     Vũ là một người Công giáo, anh có tên thánh là Gioan Baotixita (John the Baptist)

Một lần, cầm trên tay cuộn tiền buộc chun đóng học phí của Vũ, cô chủ nhiệm nhướng mày: “Cậu đưa tôi cái gì thế này?”. Năm chục nghìn đó, toàn những tờ tiền lẻ cũ mèm, bởi nó là tiền bán nước chè của mẹ Vũ. “Nhưng em vẫn nộp đủ mà cô?”, Vũ phản ứng và lập tức bị bắt đứng ra góc lớp suốt buổi học hôm đó. Lấy hết can đảm, Vũ vơ sách vở chạy thẳng về nhà, kể từ đó không tới trường nữa. Năm đó, Vũ mới học lớp 5.

Bỏ học, Vũ gắn mình trong những quán internet và chơi game online xuyên ngày tháng. Đầu những năm 2000, game online mới du nhập vào Việt Nam và gây sốt dữ dội. Những vật phẩm ảo được mua bán với giá trị thật rất cao, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Rất nhanh chóng, Vũ biến thời gian trống của mình thành lợi thế “cày” game.

Ban đầu là chơi thuê (chơi hộ người khác không có thời gian để thăng cấp cho nhân vật trong game), sau đó là săn vật phẩm giá trị và bán. Nhân vật ảo của Vũ dần dà trở nên cực mạnh, lập bang hội có nhiều người theo.

“Em đã từng dẫn top server”, Vũ tự hào.

Trong khi những bạn bè cùng lứa đang ngày ngày cần mẫn tới trường, thì Vũ mất gấp đôi thời gian ấy cho việc luyện game (không còn có thể gọi là chơi game nữa, khi nó đã thực sự nuôi sống Vũ). Nếu những bài kiểm tra, các kỳ thi và điểm số là mục tiêu của các bạn bè, thì các trận đối đầu trên mạng, tăng cấp cho nhân vật, sưu tầm vật phẩm quý hiếm, và kết giao với game thủ khắp nơi là ý nghĩa cuộc sống của Vũ.

Ai cũng có nhu cầu được thừa nhận, từ thứ cơ bản nhất, là sự tồn tại của mình ở trên đời. Vũ chơi game cho đến khi cơn sốt thoái trào, và nhân vật từ chỗ trị giá hàng trăm triệu đồng, trở thành cho không cũng chẳng ai đoái hoài, nhưng vẫn kiên quyết không bán. Có lẽ chính Vũ cũng không nhận ra rằng, nhân vật trong game ảo đó, đã giúp cậu thiếu niên 14 tuổi lần đầu tiên có được sự thừa nhận của xã hội. Cho tới tận lúc này, Vũ vẫn giữ liên lạc với một số bạn game năm ấy, những tình bạn cậu cho là rất chân thành, dù phần nhiều là chưa từng gặp mặt.

Từ shipper vô danh, đến KOC* cõi mạng

(*KOC là từ viết tắt của cụm từ Key Opinion Consumer, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là người tiêu dùng chủ chốt, được nhiều người tin tưởng bởi giàu trải nghiệm thực tế.)

Game online thoái trào, nhìn lại, Vũ đã mất vào đó 4 năm. Giờ thì cậu thực sự đối mặt với việc mưu sinh. Vũ chọn đi làm chạy bàn cho quán cà phê. Ngay tuần đầu thử việc, khách mất chiếc xe tay ga đắt tiền trong phiên trực của Vũ. Chủ quán buộc cậu phải làm không công 3 tháng vì không có tiền đền. Sau này nhờ một sự tình cờ, Vũ mới biết rằng vụ mất xe chỉ là màn kịch chủ quán dựng lên, để lợi dụng công lao động của mấy nhân viên chạy bàn khờ khạo.

Không dám đi làm thuê nữa, Vũ quay về đầu ngõ nhà mình ở phố Bạch Mai, mở quán bán trà đá, ngô khoai nướng. Cứ thế lay lắt, cũng qua vài năm.

Biến cố lớn đến với Vũ vào năm cậu 24 tuổi. Vì tin một người quen ngoài xã hội, Vũ bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 0,5 gram ma túy. Cơ quan công an xác minh nhân thân, và phát hiện Vũ không hề có giấy tờ tùy thân nào – hay nói chính xác hơn, là chưa từng làm giấy tờ tùy thân, kể cả giấy khai sinh.

Dĩ nhiên, điều đó không giúp Vũ tránh được việc phải đi tù. Nhưng sau 23 tháng thi hành án năm 2019 Vũ cầm mảnh giấy hoàn thành án tù tới nộp cho Công an phường Bạch Mai, và… lại không có giấy tờ như trước. Suốt cả quá trình điều tra – khởi tố - xét xử - tống giam và hoàn thành án, Vũ vẫn không được làm giấy tờ, mà chỉ dựa vào giấy chứng sinh mang tên Nguyễn Việt Thắng của người anh họ. Xin Ủy ban nhân dân và Công an khu vực cấp giấy, câu trả lời luôn là: “Trường hợp của cậu rất rắc rối, khó lắm, cứ về đi rồi từ từ giải quyết”.

Khao khát một công việc có lương, có bảo hiểm, có đồng nghiệp và đồng phục, Vũ đầu quân làm shipper (người giao hàng) cho một ứng dụng công nghệ nổi tiếng. Việc này cũng không đơn giản, vì hãng vẫn yêu cầu ứng viên phải có 2 loại giấy tờ tối thiểu: Căn cước công dân và Bằng lái xe. Vũ dò hỏi, được những đồng nghiệp khác chỉ cho cách… nhờ lập tài khoản hộ. Thế là Vũ trở thành shipper bằng tài khoản chạy xe công nghệ đứng tên người khác.

Sau vài năm làm shipper chuyên giao đồ ăn, Vũ trở thành một “ma xó” thực sự với các hàng quán ở Hà Nội. Quán nào ngon, món gì mới, mùa nào thức nấy, Vũ nắm rõ như lòng bàn tay. Trước trào lưu review food (đánh giá cảm nhận về ẩm thực) lên cao, Vũ thử dùng điện thoại ghi hình lại chính hoạt động thường ngày của mình, đưa lên mạng xã hội.

Rất bất ngờ, chuỗi nội dung “Khách ăn gì, mình ăn nấy” nhanh chóng được lan tỏa chóng mặt. Kênh mạng xã hội chuyên video của Vũ được hơn 65 nghìn người theo dõi. Như mọi KOC khác, Vũ được các chủ quán đặt hàng tới quay video clip và review, có trả phí. Đây là một bước ngoặt bất ngờ của cuộc đời, giúp Vũ không chỉ được thừa nhận bởi cộng đồng, mà còn có thu nhập tốt hơn hẳn trước kia. Cộng đồng mạng và cả báo chí biết tới, gọi anh là “shipper ma xó”. Nhưng rất ít người biết rằng, Vũ vẫn không có được sự công nhận chính thức về mặt luật pháp. 31 tuổi, anh chưa từng được đi máy bay, dĩ nhiên cũng chưa từng ra nước ngoài, vì không có giấy tờ tùy thân.

“Tôi vẫn đi tìm mình…”

Có được chút thành công, bớt khó khăn hơn về kinh tế, Vũ hướng đến các hoạt động thiện nguyện. “Chữ “từ thiện” nó to quá, tôi chỉ dám nói mình làm việc thiện nguyện thôi”, Vũ chia sẻ. “Tình nguyện làm việc tốt”.

Vũ tham gia vào một nhóm tình nguyện nấu ăn và phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo tại cổng bệnh viện Thanh Nhàn vào 10 giờ sáng thứ 7 hàng tuần. Và bất cứ khi nào có thể, Vũ sẽ giới thiệu miễn phí các món ngon, quán ngon tới cộng đồng. Gần nhất, một quán bún dọc mùng của hai cụ già tại Trương Định đã thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa, nhờ được Vũ giới thiệu lên kênh của mình.

Gọi tôi là Vũ ảnh 2

                                    Đều đặn hàng tuần, Vũ vẫn đi làm các hoạt động thiện nguyện.

Miệt mài lao động, cố gắng kiếm đồng tiền chân chính, nhưng Vũ đang đối mặt với nguy cơ trở lại con số 0. Ứng dụng giao hàng vừa rà soát gắt gao các tài khoản shipper, và anh không thể làm việc nhờ vào tài khoản của người khác nữa. Mặc dù người quản lý hiểu hoàn cảnh, và biết rằng thái độ làm việc của Vũ rất mẫn cán, trung thực trong những năm qua, nhưng quy định là quy định.

Một lần nữa, Vũ lại lên chính quyền địa phương xin làm giấy tờ. Một lần nữa, lại là những lời hẹn chờ đợi không hạn định.

“Bao năm qua, tôi vẫn đi tìm mình, tìm một cái tên, một chỗ đứng trên cuộc đời”, Vũ thở dài. “Nguyễn và Trần là họ của bố và mẹ tôi ghép lại. Còn Phong Vũ, là cái tên tôi tự chọn, nó phản ánh con người tôi”.

Phạm Gia Hiền

Nguồn:Gọi tôi là Vũ (ngaynay.vn)