Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero

Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn Nguyễn Song Tùng cho biết, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi, đa dạng sinh học suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, chạm ngưỡng không thể đảo ngược, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, chuyển đổi năng lượng, cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, 45% còn lại nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Do đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng, “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường để phát triển bền vững.

 

 

Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Net Zero là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Với cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã có khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đưa ra chiến lược, mục tiêu trong tương lai, trong đó có xây dựng khung chính sách phát triển thị trường carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam", theo đó đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhất trí rằng, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp hướng tới Net Zero tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, nhất là khi nước ta còn thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.

Do đó, các kiến nghị chính được đưa ra bao gồm: xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định, cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh; tập trung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng; hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan; đầu tư nâng cao năng lực, vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp để tăng cường khả năng tập hợp, đối thoại, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế, phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế với các tiêu chuẩn cao…

Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về lộ trình, giải pháp, nguồn lực tài chính cho thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam; giới thiệu dự án môi trường, vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững, thông tin các nội dung cơ bản về Hội nghị COP28.

 Bảo An

Nguồn:Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero (nangluongsachvietnam.vn)