Vượt “cơn gió ngược” và những duyên lành của đất nước

Năm qua nền kinh tế gặp nhiều sóng gió nhưng đã vượt qua và đất nước đón nhận nhiều duyên lành với những chuyến thăm của những vị khách quý đặc biệt đến từ những cường quốc, mở ra những vận hội mới chưa từng có trong xuân mới...

Lễ dâng trầm đầu tiên của Việt Nam do Công ty Trầm hương Khánh Hòa tổ chức tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh | Triệu Vân

Lễ dâng trầm đầu tiên của Việt Nam do Công ty Trầm hương Khánh Hòa tổ chức tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh | Triệu Vân

“Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”


Thành công rực rỡ về đối ngoại trở thành một điểm nhấn của năm 2023, khi mà Việt Nam đón nguyên thủ của hai cường quốc hàng đầu thế giới đến thăm và làm việc, đó là Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2023 đã lẩy Kiều: Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày. Ông nói thêm: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt”. Việt Nam và Hoa Kỳ sau nhiều thăng trầm, đang bước vào mùa xuân củatình hữu nghị khi quan hệ nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, với nhiều hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật mang tính đột phá như công nghiệp bán dẫn.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bìnhlà“duyên lành” theo góc nhìn văn hóa truyền thống của dân tộc ta và hai nước cùng nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới với trình độ khoa học công nghệ rất cao. Việc cùng xây dựng cộng đồng chia sẻtương lai sẽ đưa sự hợp tác của hai nước lên tầm cao mới, trong đó có kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi để hợp tác sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, giá rẻ, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ.Để con đường hợp tác thêm thênh thang nênxóa bỏ những rào cản về thông thương và nhiều giấy phép con.

Năm 2023, đất nước đối diện với bộn bề khó khăn, bất cập, nhiều vấn đề nổi lên như như giải ngân đầu tư công, nguồn cung năng lượng, ngân hàng ế tiền trong khi nhiều doanh nghiệp đói vốn, v.v. và những “cơn gió ngược” về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, tâm lý tiêu dùng bất ổn định. Nhưng với sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, Chính phủ nỗ lực giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn, Việt Nam đã có một năm vượt khó với mức tăng trưởng 5,05% mặc dù không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%) nhưng thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Vượt “cơn gió ngược” và những duyên lành của đất nước ảnh 1

 

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng tặng cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak chiếc quạt làm bằng trầm hương trong lần cựu Thủ tướng Ehud Barak đến thăm công ty Trầm hương Khánh Hòa

Năm 2023, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều vụ đại án lớn bị phanh phui và đưa ra xét xử, nhiều cán bộ chức trọng quyền cao bị “vào lò”. Tinh thần đó đã làm nức lòng người dân, bên cạnh đó cũng phải thừa nhận một thực tế là tâm lý xã hội có phần căng thẳng, ngột ngạt, nhiều cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Phải chăng đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư thấp, người dân và doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn thì có những cơ quan quản lý cả ở địa phương và trung ương phát hành văn bản “hỏi-đáp” lòng vòng...là dẫn chứng tiêu biểu cho tình trạng “cắn bút nhìn nhau” thời gian gần đây. Thái độ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa” trở thành phương châm hành động của không ít cán bộ, công chức.

Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Đảng và Nhà nước đang hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục từng bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Cần nhận diện rõ ràng những vấn đề phát sinh sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước, những vấn đề cụ thể của từng địa phương, các bộ ngành đang phải đối mặt để từ đó có giải pháp phù hợp.

Ðổi mới sáng tạo vượt qua “bẫy lao động giá rẻ”

Khi mà mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tới giới hạn, Việt Nam cần hướng tới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động. Với mô hình này, đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới. Trong thời đại 4.0. muốn đổi mới sáng tạo, trước hết phảivượt qua các định kiến, rào cản để tiếp nhận những cái mới chưa từng có tiền lệ.

Với mô hình tăng trưởng mới, chúng ta cần giải phóng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nước, rừng, khoáng sản trong đó có đất hiếm, đưa vào khai thác một cách hiệu quả, công khai, minh bạch.

Con người đóng vai trò quyết định đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng chúng ta chưa nâng cao và khai thác hiệu quả nguồn lực này, rất dễ rơi vào “bẫy lao động giá rẻ”. Đa số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp FDI là lao động phổ thông, “ráo mồ hôi hết tiền”. Xuất khẩu lao động vẫn chủ yếu bán sức lao động giá rẻ, chi phí lớn vì chưa đào tạo được những ngành nghề mà thế giới cần như nghề đóng tàu, nghề về trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất lao động là vấn đề sống còn với các quốc gia, không ngoại trừ Việt Nam. Muốn vậy, phải khắt khe hơn với những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nâng tầm các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao,đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược bài bản đẩy mạnh giáo dục đào tạo, hợp tác với những nước phát triển trong lĩnh vựcnày, khai phóng tiềm năng con người Việt Nam. Trong thời đại 4.0, cần giáo dục với tinh thần khai phóng, khắc phục những điểm yếu cố hữu của người lao động như thiếu tính kỷ luật, thiếu kỹ năng chuyên sâu dẫn đến năng suất lao động thấp. Năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập thấpvà thu nhập thấp thì cả nền kinh tế sẽ tăng trưởng kém đi. Nếu năng suất lao động chưa tới “điểm hòa vốn” thì rất khó đưa đất nước phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Năm 2024, dự báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu giảm lãi suất, những nền kinh tế mở, dựa vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ có lợi. Doanh nghiệp sẽ tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, từ đó đầu tư vào giáo dục và khoa học công nghệ sẽ nhiều hơn. Nhưng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để cải thiện khả năng hấp thụ vốn - được xem như một hạn chế của nền kinh tế nước ta.

Những yếu tố đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa. Cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị đầu tiênbàn về công nghiệp văn hóa. Thủ tướng nhận định: Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.

Chúng ta cần phát triển những sản phẩm vật thể lẫn phi vật thể gắn với công nghiệp văn hóa như ẩm thực, các lễ hội, ca nhạc, phim ảnh, hội họa... Không thể chỉ ngồi chờ “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần đẩy mạnh khâu quảng bá tiếp thị, nghĩ cùng thế giới, sáng tạo sản phẩm cho “ngôi làng toàn cầu”. Chúng ta cần xây dựng chiến lược quảng bá, tiếp thị quốc gia về công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, có những lĩnh vực phải mở cửa để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, nhờ đó Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” nhờ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến của họ.

Mô hình đầu tư công, quản trị tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa là một hướng đi đột phá, mang lại một loạt lợi ích quan trọng bằng cách kết hợp sự hỗ trợ từ nguồn tài chính công cộng và khả năng quản lý, linh hoạt của các tổ chức và cá nhân.

Vượt “cơn gió ngược” và những duyên lành của đất nước ảnh 2

 

Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa - một địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan - một cách làm hay về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam


Sau một năm nhiều biến động, mùa xuân mới lại đến. Tôi thắp nén trầm hương, ngẫm ngợi về loài cây có sức sống mãnh liệt, bất chấp tổn thương vẫn tạo nên một mùi hương vĩnh cửu. Cũng như dân tộc Việt Nam trải qua đau thương vẫn là một dân tộc nhân ái, kiên cường kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp.

Từ ngàn xưa, con người đã gọi Trầm Hương là gỗ của các vị thần, là hương thơm của thiên đường. Tết đến, xuân về trên bàn thờ tổ tiên "hương chong đèn rạng", dâng một nén Trầm, lòng người tĩnh lặng hướng thiện, nhớ về nguồn cội để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống này và ngay chính hôm nay. Trầm Hương được đốt lên, tỏa mùi hương thanh cao, không gian trở nên thanh tịnh, ấm áp, giúp tâm hồn con người thư thái lắng dịu, hướng tới những điều thánh thiện.

Trong hương khói trầm hương, lắng dịu, tôi hy vọng một năm mới tươi sáng, tự tin vào nội lực và sức mạnh của văn hóa dân tộc, Việt Nam như con tàu vững vàng trên biển lớn.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng

Chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa

Nguồn:Vượt “cơn gió ngược” và những duyên lành của đất nước (nhandan.vn)